Người dân phản ứng thu phí trạm BOT Phú Hữu, Sở GTVT TP.HCM nói gì?

19/09/2024 19:05 GMT+7

Trước những phản ứng của người dân về việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ theo dõi 10 ngày để đánh giá tổng thể để xem xét điều chỉnh.

Từ ngày 17.9 đến nay, trạm thu phí BOT Phú Hữu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chính thức thu phí xe ô tô lưu thông qua lại, nhiều người dân tập trung tại trạm phản ứng.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ chiều 19.9, Phó giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An nhìn nhận, những ngày đầu tiên hoạt động khó tránh khỏi sự chưa đồng thuận. Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ theo dõi sát, ghi nhận những thắc mắc người dân trong 10 ngày đầu. Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Hiện việc thu phí qua trạm BOT Phú Hữu thực hiện theo nghị quyết của HĐND TP.HCM và hợp đồng giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư là Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên.

Người dân phản ứng thu phí trạm BOT Phú Hữu, Sở GTVT TP.HCM nói gì?- Ảnh 1.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM trả lời về việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Trước phản ánh của người dân về việc phải trả phí khi thuê taxi vào nhà đưa đón, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trong nghị quyết của HĐND TP.HCM quy định rõ đối tượng, mức phí.

"Những ngày đầu tiên thực hiện chưa có sự đồng thuận của một số người dân hoặc có thể đối tượng thực hiện chưa đúng. Chúng tôi sẽ theo dõi, ghi nhận việc này", ông An nói thêm và cho rằng cần có thời gian để đánh giá tổng thể trước khi điều chỉnh.

Chuyển công an điều tra hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư

Cũng tại buổi họp báo, vấn đề chiếm dụng phí bảo trì chung cư tiếp tục được đặt ra. Đơn cử như khu căn hộ New Sài Gòn (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) bị chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hoàng Nguyên không bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Từ tháng 10.2019, UBND TP.HCM ban hành quyết định cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đến nay chủ đầu tư không chấp hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Học, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhà Bè, cho biết sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định cưỡng chế, huyện đã làm việc với chủ đầu tư, đề nghị tự nguyện chấp hành nhưng Công ty Hoàng Nguyên không đến.

Đến nay, công ty này có thiện chí bàn giao quỹ bảo trì nhưng đang viện một số lý do để trì hoãn như khó khăn về tài chính, chưa thỏa thuận được với ban quản trị về sử dụng diện tích tầng hầm. Ngoài ra, nội bộ Ban Quản trị chung cư cư New Sài Gòn cũng có tranh chấp, mâu thuẫn dẫn đến bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an ninh trật tự, 5 thành viên ban quản trị nộp đơn từ nhiệm.

Ông Học cho hay, sắp tới sẽ tiếp tục vận động Công ty Hoàng Nguyên bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì cho ban quản trị, tổ chức đối thoại giữa 2 bên. Trong trường hợp 2 bên không đạt được thỏa thuận, UBND H.Nhà Bè hướng dẫn các bên yêu cầu TAND giải quyết.

Người dân phản ứng thu phí trạm BOT Phú Hữu, Sở GTVT TP.HCM nói gì?- Ảnh 2.

Công ty CP bất động sản Hiệp Phú Land giữ hơn 30 tỉ đồng quỹ bảo trì của người dân chung cư Saigon Gateway đã 5 năm nhưng không bàn giao

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Hiện tình trạng chiếm dụng, không bàn giao quỹ bảo trì diễn ra tại nhiều chung cư ở TP.HCM. Người dân, ban quản trị bức xúc, làm đơn cầu cứu khắp nơi nhưng chưa mang lại kết quả rõ rệt.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Sở Xây dựng Lý Thanh Long cho hay, việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư thuộc thẩm quyền của UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, các địa phương lập hồ sơ xử lý vi phạm, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính đúng nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Nếu chủ đầu tư vẫn không chấp hành đầy đủ nội dung xử phạt địa phương ban hành quyết định cưỡng chế theo luật Nhà ở. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích, không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ thì chuyển hồ sơ đến Công an TP.HCM để điều tra, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.