Từ vụ một người ở Quảng Trị bị phạt 7,5 triệu đồng vì livestream tại trụ sở Ban tiếp công dân:

Người dân quay phim, chụp hình, livestream thế nào để không bị xử phạt?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
25/06/2023 10:45 GMT+7

Liên quan vụ 1 người dân ở Quảng Trị bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì livestream tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh, luật sư phân tích, làm rõ việc người dân nên quay phim chụp hình như thế nào để không bị xử phạt…

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 24.6, lãnh đạo Công an TP.Đông Hà (Quảng Trị) cho biết đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông H.K.L (34 tuổi, trú xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ, Quảng Trị) với mức phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu ông L. gỡ bỏ bài viết có nội dung vi phạm.

Cụ thể, theo thông tin của Công an TP.Đông Hà, ngày 25.5, ông H.K.L đến trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh Quảng Trị thì được thông báo UBND tỉnh đã có văn bản từ chối tiếp công dân đối với ông H.K.L.

Tuy nhiên, ông L. không đồng ý với thông báo của cán bộ Ban tiếp công dân tỉnh đưa ra và tranh cãi lớn tiếng, gây ồn ào tại trụ sở này. Thời điểm này, ông L. sử dụng điện thoại để livestream (phát trực tiếp) về sự việc lên trang Facebook cá nhân.

Công an TP.Đông Hà xác định, ông L. đã có hành vi "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý", quy định tại điểm e, khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ.

Bị phạt tiền vì livestream tại trụ sở ban tiếp công dân

Liên quan đến vụ việc, Thanh Niên đã liên hệ với luật sư Lê Cao (Công ty luật FDVN; Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng), để làm rõ những quy định nào thì người dân được livestream tại cơ quan công quyền hoặc livestream ở những nơi khác mà không bị ràng buộc vào hành vi vi phạm "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý"; trường hợp nào phải xin phép?

Người dân quay phim, chụp hình sao để khỏi bị xử phạt? - Ảnh 1.

Luật sư Lê Cao

THANH LỘC

Pháp luật khuyến khích sự giám sát của nhân dân với hoạt động công vụ

Luật sư Lê Cao phân tích, theo điều 8 Hiến pháp năm 2013 thì "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".

Theo quy định tại khoản 2, điều 14, Nghị định 04/2015/NĐ-CP thì "Cán bộ, công chức, viên chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức".

Do đó, pháp luật khuyến khích sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của công vụ.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, điều 32 bộ luật Dân sự năm 2015, người dân có quyền livestream các hoạt động công vụ của cán bộ nhà nước mà không cần phải có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ nếu như: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

"Như vậy, người dân có quyền thực hiện việc quay phim, ghi hình với nhu cầu của cá nhân mình mà không phạm luật, hoặc livestream vì những lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, ví như ghi âm ghi hình một hành vi nhận hối lộ quả tang, hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, ghi hình trực tiếp hành vi phạm pháp khác. Những hình ảnh đó góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tố giác hành vi vi phạm pháp luật thì việc livestream được pháp luật bảo vệ nên người dân được phép làm", luật sư Lê Cao nhấn mạnh.

Xem nhanh 12h ngày 25.6: Bị phạt tiền vì livestream tại trụ sở ban tiếp công dân

Những trường hợp người dân không được phép livestream tại các cơ quan công quyền 

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Cao, trong hoạt động thu thập, xử lý, sử dụng thông tin liên quan đến các cơ quan công quyền, như livestream tại cơ quan công quyền thì không phải trường hợp nào người dân cũng được thực hiện, bởi phải chịu ràng buộc bởi các quy định của pháp luật theo từng lĩnh vực khác nhau. 

Theo đó, về nguyên tắc, có những nhóm trường hợp sau đây, người dân không được phép livestream tại các cơ quan công quyền, vì có nguy cơ bị xử phạt.

Thứ nhất, nghiêm cấm việc livestream xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh (điều 32 bộ luật Dân sự 2015); quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (điều 38 bộ luật Dân sự 2015). 

Thứ hai, nghiêm cấm việc livestream vi phạm quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước theo luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 và xâm phạm đến hoạt động quản lý công vụ, bảo vệ an toàn đối với các vấn đề an ninh, quốc phòng.

Cụ thể, điều 5 luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Hoặc theo khoản 9, điều 32 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT (sửa đổi bởi Thông tư 41/2020/TT-BGTVT) thì việc ghi âm, ghi hình trong khu vực hạn chế hoặc tại các điểm kiểm tra an ninh hàng không hoặc trong nơi làm việc của cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không phải được đơn vị chủ quản cho phép bằng văn bản.

Bên cạnh đó, một số địa điểm có đặt biển báo cấm ghi hình, chụp hình tại trụ sở cơ quan, tổ chức thì người dân cần phải tuân theo các quy định đó như các khu vực liên quan đến an ninh biên giới, doanh trại quân đội, trại giam, nhà tạm giữ, bảo tàng nghệ thuật, công trình chưa được công bố...

Người dân quay phim, chụp hình sao để khỏi bị xử phạt? - Ảnh 3.

Việc livestream hoạt động cán bộ chiến sĩ công an là được phép, nhưng cần tuân thủ các quy định khác có liên quan

THANH LỘC

Cũng theo luật sư Lê Cao, ngoài ra, có những trường hợp người dân được ghi hình giám sát hoạt động công vụ nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định. 

Bởi theo khoản 5, điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA thì nhân dân có thể tham gia giám sát hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn của các chiến sĩ cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ thông qua việc ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện sau: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thứ ba, cấm việc livestream xâm phạm đến bí mật kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. 

"Pháp luật quy định bảo vệ quyền về bí mật kinh doanh, bảo vệ quyền về sở hữu trí tuệ liên quan đến các tác phẩm được công bố, nếu livestream phát sóng trực tuyến sẽ dẫn đến các quyền đó bị xâm phạm nên đó cũng là hành vi bị xử lý. Ví dụ livestream bộ phim đang được công chiếu tại các rạp phim là không được phép", luật sư Lê Cao nhấn mạnh.

Luật sư Lê Cao cho rằng việc livestream tại các cơ quan công quyền không phải trường hợp nào cũng bị cấm, nhưng người dân cần cẩn trọng và hiểu những trường hợp nào được làm, những trường hợp nào không và khi livestream thì phải tuân thủ những giới hạn mà pháp luật cho phép để tránh bị xử phạt hành chính hoặc buộc phải bồi thường thiệt hại tương ứng với các hành vi và mức độ vi phạm gây ra. 

Thậm chí, hành vi livestream mà xâm phạm danh dự, uy tín người khác nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác, theo điều 155 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); hoặc hành vi xâm phạm bí mật nhà nước có thể xử lý về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo điều 337 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.