Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nếu như năm 1996 chỉ mới Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) bắt đầu cung ứng dịch vụ thẻ tại một số máy ATM với vài trăm chủ thẻ thì đến nay đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ, tổng số lượng phát hành trên 100 triệu thẻ. Mạng lưới ATM của các ngân hàng đã được mở rộng (tới nay đã có trên 17.000 ATM trên toàn quốc); các ATM đã được kết nối liên thông, khách hàng có thể sử dụng thẻ của ngân hàng này để rút tiền và thực hiện một số dịch vụ thanh toán trên ATM của ngân hàng khác.
Tuy nhiên, đi cùng xu thế đó, việc các nhà băng tăng cường thu phí thẻ cũng tạo gánh nặng, bức xúc nơi người dân. Ông Thắng cho biết, nguyên nhân trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đối với dịch vụ thẻ (mobile banking, internet banking, SMS banking,...).
tin liên quan
Mất 94,9 triệu đồng trong tài khoản: Sacombank hoàn tiền lại cho khách hàng
Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, ngân hàng đã phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp, trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng. Bởi vậy, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các ngân hàng phải công khai cho khách hàng thì bao gồm nhiều loại phí, cho nhiều loại dịch vụ khác nhau.
Song khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ do mình sử dụng. Đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như: rút tiền tại ATM chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê...
Bình luận (0)