(TN Xuân) Với giọng đặc chất biển, ông khề khà kể: “Từ tháng giêng đến tháng 6, tôi thường theo bạn câu mực. Nửa năm còn lại tôi ở nhà đan thúng vì nay đã có tuổi rồi, không chịu được sóng gió”.
Thúng của ông Ngà được dân câu mực ưa chuộng vì to và chịu va đập tốt
|
Thúng do ông làm ra có đường kính chừng 3 m, sức chứa cả chục người. Ông Ngà cho biết để vững vàng khi ra biển thì nan thúng phải được đan bằng loại tre đực, tre gai chặt trên rừng về. Đai thúng được làm từ 7 cây tre nhỏ nhưng phải chắc, không sâu mọt và được phơi nắng trong vòng 2 - 3 ngày. Để làm xong một chiếc thúng, người thợ phải thực hiện 4 công đoạn, gồm: ra tre, đan, trát và bỏ khung. Trong tất cả các công đoạn, khó nhất là khâu đan thân thúng. “Bởi chỉ trên một tấm lát người thợ phải thực hiện 4 kiểu đan khác nhau. Rành kiểu rồi thì lúc đan cần để ý đến đoạn nào phải chuyển kiểu để khi ráp vành thúng không bị vênh. Vì chỉ cần vênh một chỗ, chiếc thúng sẽ chịu lực rất kém”, ông Ngà chỉ vào chiếc thúng đan dở, giải thích.
Loại thúng do ông Ngà đan được dân câu mực khơi ưa chuộng vì kích thước to, chịu va đập tốt. Đặc biệt, thúng của ông Ngà có “tuổi thọ” cao, sử dụng được 5 - 7 năm. Cũng vì làm loại thúng to nên một nửa năm còn lại làm nghề, ông Ngà đan được nhiều lắm cũng chỉ 20 chiếc. Người dân trong xã và các huyện tìm đến đặt thúng rất đông nhưng ông đành phải từ chối.
Ông tâm niệm một điều, khi làm chiếc thúng phải đặt cả cái tâm của mình vào đó. Vì giữa trùng khơi, mỗi người đơn độc trên chiếc thúng thì sinh mạng của ngư dân đều phụ thuộc vào độ an toàn của chiếc thúng. Làm ẩu cũng không khác như hại người.
Ông nói: “Còn sức thì tôi còn câu mực, còn nghề câu mực còn đan thúng. Vui chi bằng khi ở ngư trường mà mình gặp được chiếc thúng do chính tay mình đan”.
Bình luận (0)