Người dân TP.HCM hưởng lợi gì từ hồ sơ được số hóa?

Ngân Nga
Ngân Nga
10/01/2023 20:33 GMT+7

TP.HCM là địa phương hoàn thành sớm việc số hóa sổ bộ hộ tịch, giúp người dân có thể đến bất cứ phường nào yêu cầu cấp bản sao trích lục về giấy khai sinh, kết hôn…

Chiều 10.1, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành tư pháp TP.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh nói về hồ sơ hộ tịch

NGÂN NGA

Theo đó, Sở Tư pháp đã hoàn thành giai đoạn 1, TP.HCM đã có hơn 11,7 triệu hồ sơ được số hóa, trong đó có hơn 11 triệu hồ sơ đăng ký trước đầu năm 2016 đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.

Từ giữa tháng 6.2022, TP cấp bản sao trích lục kết hôn, giấy khai sinh, khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung TP cho cá nhân. Do đó, người dân chỉ cần đến bất cứ phường nào của TP, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú đều có thể yêu cầu cấp bản sao trích lục.

Việc làm trên, giúp người dân giảm các loại giấy tờ về hộ tịch phải nộp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Đến giữa tháng 9.2022, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại TP.HCM đã cấp được hơn 200.000 bản sao giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch.

Ngay sau khi hoàn thành việc tạo lập dữ liệu số hóa sổ hộ tịch, sở này đã trình UBND TP.HCM chỉ đạo và tổ chức việc cấp bản sao giấy tờ hộ tịch bản giấy, bản điện tử, thực hiện việc tái cấu trúc, giảm các loại giấy tờ hộ tịch mà người dân phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó giúp người dân giảm được thời gian và chi phí, để đẩy mạnh đăng ký trực tuyến.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, hiện nay còn hơn 355.000 dữ liệu số hóa sổ hộ tịch không chuyển thành công lên hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Lý do cơ quan này đưa ra là dữ liệu ở trạng thái “chưa kiểm tra trùng dữ liệu”, “trùng dữ liệu”, một số dữ liệu ở trạng thái “cho phép chuyển” nhưng cũng không chuyển được, chưa rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quản lý đăng ký hộ tịch thường xuyên bị chậm, từ chối truy cập, dữ liệu hiển thị không đầy đủ, không trích xuất dữ liệu in ra phôi theo mẫu quy định. Vì thế, nhiều trường hợp cơ quan chức năng chưa giải quyết được ngay yêu cầu của người dân, mất nhiều thời gian tra cứu, chỉnh sửa nội dung bản sao trích lục.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại hội nghị

NGÂN NGA

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh, trong năm qua, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022. Các văn bản pháp quy trình HĐND, UBND TP.HCM đã được Sở thẩm định theo đúng quy định với chất lượng, hiệu quả cao.

“TP.HCM là một trong những địa phương hoàn thành sớm việc số hóa sổ bộ hộ tịch (giai đoạn 1) và triển khai thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực quản lý và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn”, Thứ trưởng Khôi nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho bà Huỳnh Thu Thảo, nguyên Chánh văn phòng Sở Tư pháp TP.HCM và Phòng Hộ tịch - Quốc tịch vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Văn phòng Sở Tư pháp, Phòng Bổ trợ tư pháp, Phòng Văn bản pháp quy, Phòng Công chứng số 6, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, ông Nguỵ Cao Thắng (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.