Người dân Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn nguyệt thực trong đêm 7.8

02/08/2017 16:56 GMT+7

Dự kiến nguyệt thực một phần sẽ kéo dài trong 5 giờ, từ đêm 7.8 đến rạng sáng 8.8. Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.

Ông Nguyễn Đức Phường, nhà nghiên cứu về thiên văn - vũ trụ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết theo giờ quốc tế (giờ UTC), mặt trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của trái đất vào lúc 15 giờ 50 phút (tức 22 giờ 50 phút ngày 7.7 giờ Việt Nam) và ra khỏi nửa tối của trái đất, kết thúc nguyệt thực vào lúc 20 giờ 50 phút (tức 3 giờ 50 phút). Thời gian nguyệt thực xuất hiện cực đại (dễ quan sát nhất) vào lúc 1 giờ 20 phút ngày 8.8.
Khu vực có thể quan sát nguyệt thực một phần lần này gồm phần lớn châu Á, bờ đông châu Phi và toàn bộ châu Âu. Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này. Đây được coi là hiện tượng thiên văn được trông đợi nhất trong năm 2017 tại Việt Nam.
Theo ông Phường, thông tin trên báo và mạng xã hội gọi hiện tượng này “trăng máu” là chưa chuẩn xác. Nguyệt thực một phần xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này, ánh trăng sẽ bị mờ đi và mặt trăng bị khuyết đi một phần. Còn nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là hiện tượng “trăng máu” chỉ xảy ra khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối của trái đất. Lúc này, ánh trăng sẽ bị mờ đi và mặt trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm.
Khác với nhật thực có thể gây hại cho mắt nếu không quan sát đúng cách, nguyệt thực rất an toàn nên người dân không cần chuẩn bị gì. “Chúng ta có thể nhìn thẳng bằng mắt thường trong suốt quá trình hiện tượng diễn ra. Tất nhiên, kính thiên văn, ống nhòm, camera… sẽ là những dụng cụ thiên văn giúp quan sát hiện tượng này rõ nét hơn, đẹp hơn. Đây sẽ là cơ hội để các tay máy và những người yêu thiên văn ghi lại những hình ảnh đẹp về sự thay đổi của mặt trăng khi chúng đi vào trái đất”, ông Phường nói.
Đây là lần nguyệt thực thứ 2 trong năm 2017. Nguyệt thực nửa tối đầu tiên của năm 2017 xuất hiện vào ngày 11.2, tuy nhiên, người dân Việt Nam không quan sát được hiện tượng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.