Đến nhà anh Hoàng, có hàng trăm con le le đang được nuôi dưỡng trong khu chuồng diện tích 400m2. Xung quanh chuồng được xây dựng tường gạch cao khoảng 3m. Trên nóc chuồng được bao một lớp lưới chắn. Trong chuồng có 2 ao nước (rộng khoảng 100m2/ao), mực nước sâu khoảng 0,4m. Phần diện tích còn lại là bãi đất trống dùng làm nơi cho le le ăn, phơi nắng và sinh sản. Trong chuồng, từng đàn le le bơi lội tung tăng dưới ao như vịt.
Le le bơi lội trong ao nhà anh Hoàng - Ảnh: Công Sinh |
Anh Hoàng cho biết: “Gần đây, tôi thấy loài động vật này được nhiều người tìm mua, nhất là các nhà hàng đặc sản. Trong khi đó, ngoài thiên nhiên, le le bị săn lùng ráo riết và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nên tôi quyết định thử nuôi loài “vịt trời” này để vừa góp phần bảo tồn một loài động vật hiếm, vừa đáp ứng nhu cầu về con giống của thị trường hiện nay”. Sau thời gian đi tham quan học tập kinh nghiệm kỹ thuật nuôi, anh Hoàng đầu tư 600 triệu đồng xây chuồng trại và ra Quảng Bình mua 500 con le le giống về nuôi. “Tôi thấy le le cũng dễ nuôi. Lúa, lục bình, rau muống, cá, tép gì chúng cũng ăn được”, anh Hoàng kể.
Sau gần 1 năm chăm sóc, đàn le le của anh bắt đầu sinh sản. Mỗi con le le mái đẻ từ 8- 10 trứng. Lứa đầu tiên, anh Hoàng đem toàn bộ số trứng này cho gà ấp. Anh hồi hộp theo dõi, nhưng cuối cùng không có trứng nào nở. Theo anh Hoàng: “Có thể là do nhiều con le le trống chưa trưởng thành nên các trứng chưa có trống. Hoặc do thức ăn chưa phù hợp nên chất lượng trứng không tốt. Cũng có thể do gà ấp nhiệt độ quá nóng”.
Không nản chí, hằng ngày, anh Hoàng dành nhiều thời gian quan sát đàn le le để hiểu thêm về tập quán của loài động vật này. Mặt khác, anh tăng cường thêm tôm, cá vào khẩu phần thức ăn để bổ sung dinh dưỡng cho chúng. Anh Hoàng dự kiến: “Vào mùa sinh sản sắp tới sẽ mua 3 tủ chuyên dùng ấp trứng gà, trứng vịt và điều chỉnh ba mức nhiệt độ khác nhau để ấp thử trứng le le”. Anh Hoàng còn dự kiến về An Giang, Đồng Tháp…nơi có những người nuôi sinh sản thành công loài “vịt trời” này để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Nhiều người cho rằng thịt le le là món “đại bổ”, có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Thịt le le từng một thời là món tiến vua nên ai cũng muốn thưởng thức. Theo anh Hoàng, giá le le hiện nay từ 500.000 - 600.000 đồng/con/300gr. Một số người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu nuôi le le để cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Anh Hoàng bộc bạch: “Hiện giờ tôi mới chỉ nuôi mang tính thử nghiệm. Nếu thành công và nếu mọi người có hứng thú nuôi le le thì tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi để cung cấp con giống cho thị trường”.
Ông Võ Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: “Anh Hoàng là người nuôi le le đầu tiên của xã và theo tôi được biết là người đầu tiên trong tỉnh nuôi le le với số lượng lớn. Nếu nuôi thành công và có hiệu quả kinh tế thì chúng tôi khuyến khích nhân rộng mô hình này”.
Ông Tạ Văn Đáo – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết “nuôi le le không cần phải đăng ký”. Còn ông Nguyễn Văn Mấy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh đề nghị người nuôi le le thực hiện đúng quy định về vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi; vệ sinh chuồng trại bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không để các mầm bệnh nguy hiểm như cúm A H5N1 trú ẩn ở khu vực nuôi; thực hiện nghiêm túc khâu tiêm phòng dịch bệnh. |
Công Sinh
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 20: Trồng thử, giàu thật
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 19: Lập nghiệp nhờ... đất mượn
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 18: Trồng gừng trong bao
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 17: Trồng chuối thu tiền tỉ mỗi năm
>> Mưu sinh bằng hến sông Bùi
>> Mưu sinh đêm
>> Mưu sinh mùa rau mứt biển
>> Mưu sinh mùa nước nổi
>> Mưu sinh trên đồng rau
>> Mưu sinh trên “nóc nhà miền Tây”
Bình luận (0)