Mưu sinh trên đồng rau

11/08/2012 10:43 GMT+7

6g sáng, trên những con đường đất dẫn từ sau lưng chợ Lạc Lâm (Đơn Dương, Lâm Đồng) ra vùng rau ở thôn Yên Khê Hạ, Lạc Lâm Làng... từng dòng người bất tận nối nhau ra đồng.

 Mưu sinh trên đồng rau 1
Các lao động trẻ đang thu hoạch xà lách trên một đồng rau ở thôn Yên Khê Hạ
(xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) - Ảnh: Phước Tuần

Phần lớn trong số họ là các lao động trẻ từ các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ như Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đến đây làm thuê. Hàng chục năm nay, họ đang dần trở thành cư dân miền cao nguyên Lâm Đồng.

Vất vả nhưng dễ sống

 

Miền đất của người nhập cư

Theo ông Trương Quang Kiên, phó chủ tịch xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), diện tích trồng rau màu của xã hơn 1.000ha, trồng theo hai vụ. Toàn xã có hơn 40 dãy nhà trọ với hơn 1.200 lao động độ tuổi 18-45, trong đó lao động dưới 30 tuổi chiếm 75%.

Lẫn trong bảy phụ nữ đang thu hoạch xà lách giữa trưa nắng trên đồng rau Lạc Lâm, Nguyễn Văn Sơn (quê huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết anh đã gắn bó với mảnh đất Lạc Lâm này hơn tám năm. Rời quê vào Lạc Lâm từ năm 18 tuổi, vừa lo cuộc sống bản thân, Sơn còn tích góp gửi tiền về cho bố mẹ nuôi mấy đứa em ăn học. Ở đây, từ làm đất, làm cỏ, thu hoạch, bốc vác... nam nữ gì cũng làm tuốt. Tiền công Sơn kiếm được từ 180.000 - 220.000 đồng/ngày. Những ngày tết, một công lao động như Sơn kiếm được 800.000 - 1 triệu đồng/ngày. Lao động nữ được trả thấp hơn, từ 110.000 - 130.000 đồng/ngày.

Còn Nguyễn Thị Thành (22 tuổi), quê ở huyện Con Cuông, Nghệ An, chỉ mới vào vùng rau Lạc Lâm gần hai năm. Trước đó Thành đã theo bạn bè vào Bình Dương làm công nhân ở một nhà máy sản xuất đồ điện tử ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Hai năm làm công nhân, Thành cho biết lương thấp cộng thêm giá cả tăng nhanh khiến cuộc sống luôn chật vật. Bạn bè rủ rê, thế là cô nhảy lên Lâm Đồng làm rau. “Làm công nhân cũng cực, làm đồng áng như thế này cũng cực nhưng cuộc sống ở đây dễ chịu hơn, gần gũi với quê nhà hơn”, Thành nói.

“Chúng tôi thường cắt rau, kiêm luôn việc đóng gói, bốc vác lên xe ngựa, rồi vận chuyển rau từ đồng vào đại lý thu mua để rau kịp vận chuyển về TP.HCM lúc rạng sáng”, chị Nguyễn Thị Phượng (25 tuổi), quê Nghi Lộc, Nghệ An, cho biết.

Nên lứa nên đôi

Chiều về, các dãy trọ sau lưng chợ Lạc Lâm rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của những bạn trẻ. Các dãy trọ ở đây tập trung theo tỉnh, hình thành nhiều khu trọ Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... “Thường các lao động vào đây thích sống cạnh họ hàng, làng xóm và đồng hương. Đa số đều là người đi trước rước người đi sau. Vì vậy nên chúng tôi sống chan hòa với nhau như người nhà”, Nguyễn Văn Sơn cho biết. Đều đi làm thuê xa nhà, trong các dãy trọ luôn ấm áp tình cảm của những người trẻ. Những ngày nghỉ, mọi người tập trung lại cùng nấu ăn như trong gia đình.

Tại một dãy trọ nằm cạnh đồng hoa layơn của xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, quê Bình Định) đang làm diều giấy cho đứa con trai hơn 3 tuổi chơi. Cả hai cùng rời quê Bình Định vào Klong mưu sinh trên những đồng hoa layơn ở xứ rau này, rồi kết duyên thành vợ chồng. “Một tháng hai vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được vài triệu chứ ở thành phố lương công nhân chắc không đủ tiền mua sữa cho con, nói gì tiết kiệm”, Dũng bộc bạch.

Cũng giống như vợ chồng Dũng, nhiều đôi bạn trẻ đã bén duyên trên những cánh đồng rau, hoa của xứ lạnh Lâm Đồng. Đầu tắt mặt tối gian nan nhưng chính trên cánh đồng thấm đẫm giọt mồ hôi, họ tìm thấy tình yêu của mình và gầy dựng những mái nhà hạnh phúc.

Theo Phước Tuần / Tuổi Trẻ

>> Mưu sinh ở "thiên đường
>> Mưu sinh trên “nóc nhà miền Tây”
>> Săn “rồng đất” mưu sinh
>> Mưu sinh lúc 0 giờ
>> Mưu sinh dưới đáy đại dương - Bài 2: Đánh đổi với nghề "độc" dưới đáy đại dương
>> Mưu sinh trước ngày thi
>> Người lùn mưu sinh
>> Mưu sinh trong lũ lụt
>> Người Việt ở Đức: Nhọc nhằn mưu sinh
>> Mưu sinh tại Mỹ: Nỗi buồn của những “người máy” 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.