'Người đẹp Bình Dương' Thẩm Thúy Hằng qua đời

07/09/2022 15:21 GMT+7

Theo nguồn tin của Thanh Niên , nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, ngôi sao sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970, vừa qua đời tối 6.9 tại nhà riêng ở Q.7, TP.HCM, thọ 82 tuổi.

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh ra tại Hải Phòng, nhưng sau đó cùng gia đình di cư vào miền Nam và lớn lên ở An Giang.

Thẩm Thúy Hằng (1940-2022)

t.l

Không chỉ là minh tinh màn bạc, Thẩm Thúy Hằng được xem biểu tượng nhan sắc trước năm 1975. Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, ra mắt năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thẩm Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 1950 - 1960.

Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương

tư liệu

Từ năm 16 tuổi, bà đã nổi tiếng là một hoa khôi xinh đẹp trong giới học sinh Sài Gòn. Tham gia cuộc thi tuyển diễn viên do hãng điện ảnh Mỹ Vân tổ chức, Thẩm Thúy Hằng đã vượt qua hàng ngàn thí sinh khác để giành giải nhất. Bà từng chia sẻ với báo chí rằng, lúc bấy giờ tuy không được đào tạo về diễn xuất, gia đình cũng không cho phép bà theo nghiệp diễn, nhưng vì đam mê nên đã bất chấp đi thi.

“Người đẹp bình dương” Thẩm Thuý Hằng qua đời ở tuổi 82

Sau vai diễn đầu tiên và tỏa sáng với cái tên “Người đẹp Bình Dương”, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ liên tục mời vào vai chính. Bà đóng khoảng 60 phim và trở thành minh tinh số một thời điểm đó với tiền cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một kg vàng lúc bấy giờ). Cũng thời điểm đó, không ai không biết Thẩm Thúy Hằng, với câu truyền miệng quen thuộc: “Nghe Khánh Ly, xem Thẩm Thúy Hằng”.

Năm 1969, bà thành lập nhóm làm phim mang tên minh, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm (đạo diễn phim Lê Mộng Hoàng), với sự tham gia của các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi,... Sự thành công của Chiều kỷ niệm làm tăng thêm độ nổi tiếng của tên tuổi Thẩm Thúy Hằng. Sau đó bà tiếp tục cho ra đời các phim Nàng, Ngậm ngùi… đều thành công vang dội.

Không chỉ là minh tinh màn bạc, người mẫu lịch, Thẩm Thúy Hằng còn là một biểu tượng thời trang dẫn đầu các xu hướng

t.l

Thẩm Thúy Hằng liên tục tham dự các liên hoan phim quốc tế ở Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Liên Xô… và đạt các giải thưởng lớn: Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong Liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan năm 1972 - 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại Liên hoan phim Moskva và Tasken tại Liên Xô năm 1982...

Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục tham gia những bộ phim điện ảnh cách mạng như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Nơi gặp gỡ của tình yêu,Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang... Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn ấn tượng trong Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn... Và vai diễn cuối cùng của bà Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương. Bà đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ 30 ngày 10.9 tại nhà tang lễ bộ Quốc Phòng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 12.9. Linh cữu được hỏa táng tại Phúc An Viên, TP.Thủ Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.