Kiều Chinh và Hồi chuông Thiên Mụ
Trong năm 1957, tôi bắt đầu xây dựng bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ. Những kiến thức thu thập được từ trước ở Học viện Điện ảnh I.D.H.E.C, Paris (Pháp), cùng những trải nghiệm thực tế trong hai năm làm phụ tá cho đạo diễn Pháp Marcel Camus trong phim Mort en fraude và tiếp theo cho đạo diễn Mỹ Joseph Mankiewicz trong phim The quiet American, đã giúp tôi mạnh dạn đi vào “Đại lộ thứ bảy”. Tôi quyết tâm làm nên một bộ phim giàu màu sắc dân tộc, rút kinh nghiệm từ tác phẩm tuyệt vời Rashomon của đạo diễn Nhật Kurosawa mà tôi hằng ái mộ.
Truyện phim do chính tôi viết, phóng tác từ tiểu thuyết Tiếng chuông Thiên Mụ của nhà văn quá cố Phan Trần Chúc, diễn tả một loạt hành động gay cấn xảy ra giữa những gia đình quý tộc dưới triều vua Tự Đức. Các cậu công tử con quan tranh giành thế lực và tình yêu, tìm mọi cách hãm hại nhau. Cuối cùng, những kẻ gây tội ác phải đền tội và những người tốt được đoàn tụ trong hạnh phúc, cùng nhau đi lập nghiệp ở vùng đất mới. Nội dung phim cốt yếu đề cao những đức tính cao quý của con người: lòng chung thủy, bao dung, tinh thần bất khuất, cuối cùng đi sâu vào triết lý sống tích cực: mọi người cần phải tranh đấu để tồn tại chớ không thể ỷ lại, dựa dẫm vào thế lực huyền bí nào.
|
Đoàn quay phim chúng tôi quy tụ được những chuyên viên vững tay nghề: Giám đốc hình ảnh Nguyễn Phú Quốc, đạo diễn phụ tá Trần Quang Huấn đảm nhiệm phần thiết kế mỹ thuật, Trần Thị Hường phụ trách về hóa trang và phục trang, tất cả đều được rèn luyện ở các trường lớp từ Paris về nước, có thêm những cố vấn đáng tin cậy ở địa phương. Phần âm nhạc phim được giao cho Phạm Duy và Nguyễn Hữu Ba, cả hai đều là nhạc sĩ nổi tiếng của miền Trung. Bộ phim được Hãng Tân Việt Điện ảnh đầu tư, giám đốc sản xuất là Bùi Diễm, rất phóng khoáng, hoàn toàn tin tưởng vào đạo diễn. Vì thế, tôi yên tâm làm việc.
|
Những diễn viên chính đã được tôi chọn gồm có các vai nam: Lê Quỳnh, Hà Bắc, Ngọc Quỳnh. Họ đã từng đóng phim hoặc diễn kịch trên sân khấu, có khá nhiều kinh nghiệm diễn xuất, tôi khỏi phải lo tốn công hướng dẫn nhiều. Riêng đối với Lê Quỳnh đã giữ vai chính nổi bật trong phim Chúng tôi muốn sống vừa mới ra mắt khán giả, tôi càng tin tưởng hơn, trao cho vai trò diễn đạt nhân vật trung tâm.
Còn lại việc tìm được hai vai nữ chính là mối quan tâm lớn khiến tôi phải đến tận Huế, cuối cùng khám phá được tại chỗ Phương Mai là hoa khôi học sinh, có nét đẹp thùy mị dễ mến. Tôi muốn tuyển thêm một bông hoa khác, đẹp sắc sảo để cùng thể hiện hai nhân vật nữ có tính cách đối nghịch nhau, nhưng tìm mãi vẫn chưa gặp được ai vừa ý.
Lúc bấy giờ tôi đang làm phụ tá cho đạo diễn Mankiewicz với phim The quiet American tại Sài Gòn. Một hôm, tại nơi quay ngoại cảnh trước Nhà hát Lớn, bỗng xuất hiện một cô gái nổi bật giữa đám đông khi cô đến tiếp xúc với một số người trong đoàn. Cô lôi cuốn sự chú ý của tôi bởi nét quyến rũ đặc biệt, vừa hấp dẫn vừa kín đáo của người trí thức.
Trong giờ nghỉ giải lao, tôi mời người đẹp dùng nước giải khát và trò chuyện. Tôi tự giới thiệu là Lê Dân, chuyên viên điện ảnh. Cô gái nói câu xã giao, với nét mặt tỏ ra chân thật: “Và ông là nhà phê bình điện ảnh sâu sắc. Tôi là người ái mộ, bây giờ mới hân hạnh được gặp ông”. Tôi nói lời cám ơn và hỏi cô là ai, lý do sự có mặt của cô ở chỗ này, thì được biết tên cô là Kiều Chinh, sinh viên ngoại ngữ, là người quen thuộc của đoàn phim. Nguyên do trước đây, khi đang đi trên đường Catinat (sau đổi tên là đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), cô gặp một người Mỹ từ nhà hàng Givral chạy ra hỏi cô có nói được tiếng Anh không? Người Mỹ ấy tự giới thiệu là chủ nhiệm của đoàn phim, thấy cô có vóc dáng rất thích hợp với vai nữ Việt Nam trong phim là Phượng của The quiet American, nên muốn mời cô giữ vai ấy. Kiều Chinh cho biết cô rất thích được đóng phim, nhưng khi về nhà xin phép thì cô bị gia đình từ chối.
Tôi hỏi Kiều Chinh cho vui: “Cô nói thật đi, có luyến tiếc không? Chắc cô cũng thấy công việc làm phim rất là hấp dẫn, phải không?”. Kiều Chinh mỉm cười: “Chính vì điện ảnh hấp dẫn nên thỉnh thoảng tôi lại đến đoàn phim. Không tham gia được thì nhìn người ta làm việc”. Thoáng một chút suy nghĩ, tôi nhận xét: “Gia đình cô không bằng lòng cho cô đóng phim có lẽ vì đây là phim Mỹ, tiếp xúc với đàn ông nước ngoài cũng có phần phức tạp”. Rồi tôi hỏi: “Nếu có hãng phim Việt Nam nào lại muốn mời cô đóng phim thì cô nghĩ sao?”. Kiều Chinh trả lời: “Còn tùy phim ra sao và ai làm đạo diễn?”. Đáp lại, tôi cho Kiều Chinh biết chính tôi đang có dự án làm phim Hồi chuông Thiên Mụ bắt đầu quay tại Huế vài tháng sau, nếu tôi mời cô đóng vai nữ chính của phim, thì cô nhận lời không, và gia đình cô sẽ cho phép hay không. Nét mặt Kiều Chinh rạng rỡ lên: “Cám ơn ông, tôi rất vui được ông để ý tới. Xin ông cứ thử đặt vấn đề với gia đình tôi. Biết đâu tôi sẽ có duyên với phim Việt Nam!”. Tôi mỉm cười: “Tôi nghĩ là Kiều Chinh sẽ có duyên với phim của tôi”.
Lê Dân
(còn tiếp)
>> Đạo diễn Lê Dân: "Bắt tay làm để... tự cứu!"
>> Lên núi Ngũ Phong gióng chuông Hòa Bình
>> Đến Huế khám phá vườn "treo" trên hoàng thành
>> Măm" hải sản dưới hoàng hôn Lăng Cô
>> Khám phá Hawaii trong 29 giây
>> Khám phá đảo thiên đường Boracay
>> Khám phá Mỹ Sơn, Hội An bằng bus
>> Thăm “đảo thiên đường” ở Quảng Nam
>> Hòn Cau có trước rồi mới đến... thiên đường
Bình luận (0)