>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 9: Đa truân trong phim, hạnh phúc ngoài đời
Người bị thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Văn Các, 34 tuổi, làm nhiệm vụ bảo vệ Thanh Nga, đã khai báo trước cơ quan an ninh: "Tối hôm ấy, chính chồng của Thanh Nga, tức anh Phạm Duy Lân cầm tay lái, tôi ngồi cạnh anh ấy. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với cháu Phạm Duy Hà Linh, tên ở nhà thường gọi là Cúc Cu, mới được 5 tuổi. Xe chạy từ quận Bình Thạnh theo đường Đinh Tiên Hoàng hướng về phía ngã sáu Sài Gòn, chỗ có tượng Phù Đổng Thiên Vương, rồi chạy tới nữa, từ từ dừng trước nhà Thanh Nga, số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tôi xuống trước, định mở cửa xe cho Thanh Nga bước ra, nhưng khựng lại vì có một chiếc Honda phóng tới, dừng gấp trước cổng, một bóng người nhảy xuống chĩa súng vào gáy tôi, quát lớn: "Đứng im... mày la, là tao bắn chết". Hắn đạp vào người tôi khiến tôi ngã chúi úp mặt vào xe phía trước. Tôi chưa hoàn hồn thì nghe tiếng anh Lân kêu lên: ”Đừng bắt con tôi. Các anh muốn gì thì vợ chồng tôi cũng chịu hết”. Hai bên giằng co nhau rồi một tiếng nổ, giọng anh Lân nói với tôi: "Các ơi, cậu Ba bị bắn sắp chết rồi". Tiếp theo là tiếng Thanh Nga hoảng hốt: “Bắn thì bắn chết tôi đi, chớ đừng bắt con tôi”. Rồi tôi nghe tiếng nổ thứ hai và tiếng cháu Cúc Cu gọi thất thanh: ”Ba ơi, má ơi!”. Tiếp theo là một giọng nói lớn vang lên: “Thôi, ta đi mau!”. Không còn bị khống chế nữa, tôi dứng dậy thì thấy hai bóng người chở nhau trên xe Honda đang rời khỏi hiện trường. Tôi không thấy rõ mặt, chỉ nhận ra cả hai khoảng hơn 30 tuổi, một tên bận áo lam nhạt màu, tên kia cầm súng, nước da ngăm ngăm, bận quần đen, áo màu gạch sậm”.
|
Hai vợ chồng Thanh Nga được chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn, nhưng đến nơi thì cả hai đều tử vong. Cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành ngay trong đêm. Báo cáo của Đội Trọng án Phòng Cảnh sát hình sự như sau: “Thanh Nga, thân hình đẹp, nằm như người ngủ, sắc mặt vẫn tươi, vết thương nằm gần vú trái, đạn không xuyên ra sau lưng. Phạm Duy Lân, chồng Thanh Nga, 56 tuổi, người cứng cáp, to bự gấp đôi Thanh Nga, cũng bị thương ở ngực trái, vết đạn xuyên thẳng từ hướng tim ra sau lưng”.
Sau khi khâm liệm, nhập quan, linh cữu vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga được quàn tại trụ sở Hội Văn nghệ, số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Rất đông người đến viếng. Ngày đưa tang, hàng vạn văn nghệ sĩ và đồng bào các giới đã có mặt tại địa điểm trên và tụ tập ở hai bên đường để đưa vợ chồng Thanh Nga đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ ở Gò Vấp. Giờ động quan, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt, khóc thương một tài hoa từng góp sức làm rạng rỡ nền cải lương nước nhà.
Ai giết Thanh Nga?
Công an thành phố đã thành lập đội chuyên án bí số TN.11 để điều tra vụ sát hại nghệ sĩ Thanh Nga. Đội chuyên án đặc biệt chú ý tới những vụ bắt cóc trẻ em tống tiền. Giữa năm trước đã xảy ra vụ bắt cóc cháu Toro 5 tuổi, con trai vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương, trong khu vực nhà trẻ Vườn Hồng. Sau nhiều lần đe dọa, nhóm tội phạm đồng ý giao trả đứa bé với điều kiện nộp cho chúng 20 lượng vàng. Gần một năm sau, lại xảy ra vụ Thanh Nga bị bắn chết vì che chở con mình là bé Cúc Cu. Trong lúc cảnh sát đang khẩn trương điều tra, nhóm tội phạm này tiếp tục tổ chức bắt cóc cháu Phương - con trai của bác sĩ La Hỷ, nhưng rồi cháu bé đã được giải thoát.
Từ đó, lý lịch và chân tướng của nhóm tội phạm bị khám phá, một tên là Nguyễn Thanh Tân, gốc lính biệt kích chế độ cũ, tên thứ hai là Nguyễn Văn Đức. Đêm 9.4.1979, công an tóm được Nguyễn Thanh Tân trong căn hộ 145/20 đường Nguyễn Thiện Thuật, P.2, Q.3. Đến ngày 15.4, các trinh sát tìm ra khẩu P.38 với băng đạn 7 viên của Tân giấu dưới miệng cống sát cầu thang nhà 145/45 đường Nguyễn Thiện Thuật.
Khẩu P.38 được đưa tới Phòng Giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Nội vụ. Kết quả giám định cho thấy: hai đầu đạn sát hại vợ chồng Thanh Nga đã được bắn ra từ khẩu súng này. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Thanh Tân và đồng phạm là Nguyễn Văn Đức phải nhận tội đã thực hiện cả 3 vụ bắt cóc, trong đó có 1 vụ giết người. Ngày 3.8.1980, án tử hình đã được thi hành với hai tên tội phạm Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức.
Thanh Nga đã mất hơn 30 năm qua, nhưng hình ảnh vẫn chưa phai mờ trong lòng công chúng, nhất là trong giới nghệ sĩ. Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nói: “Trời sinh Thanh Nga ra để làm nghệ sĩ, trong từng vai diễn của chị luôn toát lên nét đài các, sang trọng, rất tự nhiên chứ không cần phải diễn nhiều. Tôi học hỏi và tiếp thu ảnh hưởng ở chị trên sân khấu và ở ngoài đời, một tấm gương về sự yêu thương và lòng vị tha. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng không để lại tì vết nào như lời chị từng dạy: Nghệ sĩ cần có một trái tim trong sáng”.
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết hằng năm đến ngày giỗ của nghệ sĩ Thanh Nga, ngày 26.11, gia đình đều tổ chức lễ kỷ niệm tại nhà. Vào những dịp như thế, rất đông bạn bè, đồng nghiệp cũng như khán giả từ mọi nơi gửi hoa tới. Thậm chí, có những người mà gia đình hoàn toàn không biết mặt cũng gửi thư, hoa đến chia sẻ sự tiếc thương cố nghệ sĩ.
Riêng đối với tôi, Thanh Nga là tất cả: là một học trò cần mẫn trong lĩnh vực điện ảnh mà tôi quý mến nhất, là một em gái vô cùng thân thiết, là một thần tượng trong hoạt động nghề nghiệp và cách sống ở đời, sống vì mọi người, luôn giữ lương tâm trong sáng. Một người như thế, làm sao tôi quên được!
Đạo diễn Lê Dân
Bình luận (0)