Người đi đến tận cùng hiện thực

23/02/2014 03:00 GMT+7

“Bản chất Lê Huy Tiếp lại là một họa sĩ rất hiện thực, và yêu hiện thực tới mức muốn đặt cả hiện thực vào tranh mình”, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đánh giá.

“Bản chất Lê Huy Tiếp lại là một họa sĩ rất hiện thực, và yêu hiện thực tới mức muốn đặt cả hiện thực vào tranh mình”, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đánh giá.

 Họa sĩ Lê Huy Tiếp
Họa sĩ Lê Huy Tiếp và tác phẩm Eva trở về - Ảnh: nhân vật cung cấp

Bức tranh chỉ treo 3 ngày

Bức sơn dầu Cô gáicon chó trắng của họa sĩ Lê Huy Tiếp đã thổi tới Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976 một cảm giác lạ kỳ, mới mẻ. Bức tranh vẽ một thiếu nữ trầm tư, mơ mộng, nhìn xa xăm. Thiên nhiên tuyệt vời bao quanh cô. Hoa cỏ. Bươm bướm. Một con chó trắng. Sau này, nhà phê bình Bùi Như Hương nhớ lại: “Một hình ảnh Mona Lisa thời hiện đại. Ngoài ra, tên của bức tranh lẫn chất siêu thực lãng mạn của nó còn khiến người ta liên tưởng tới truyện ngắn nổi tiếng của văn hào Nga A.Tshekhov Người đàn bà có con chó nhỏ. Truyện có nhân vật chính là một phụ nữ trẻ ngây thơ, trong trắng, có những khát vọng và hy vọng hết sức lãng mạn về tình yêu và cuộc sống, nhưng số phận dường như luôn trớ trêu và đi ngược lại ý muốn của con người”. 

Nhưng số phận của bức tranh này, theo nhà phê bình Thái Bá Vân, “ngắn ngủi lắm, chỉ được treo 3 ngày thì có lệnh hạ xuống”.

 

Họa sĩ Lê Huy Tiếp sinh năm 1951, quê H.Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1970-1975 theo học tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp tại Liên Xô; 1975-2002, giảng viên tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Năm 1987, nhận Giải thưởng Triển lãm Hội họa - Đồ họa quốc tế lần thứ 1 tại Hà Nội. 2004-2009 là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VI. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Không có một văn bản chính thức nào cho việc hạ bức tranh cả. “Tôi cũng không tìm hiểu. Nhưng chính người hạ lệnh hạ bức tranh xuống, là bạn chiến đấu với cha mẹ tôi, khi gặp đã nói bức tranh đẹp lắm, cháu ạ. Chỉ có điều nó treo 10 năm nữa thì hợp. Còn bây giờ, đất nước còn nhiều việc phải làm để xây dựng...”, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết.

“Cái mà Lê Huy Tiếp muốn nói lên, không phải là sự diễn tả kỹ lưỡng một thiếu nữ y như cô, một con chó trắng hay một con bướm y như nó”, ông Thái Bá Vân nhận xét. “... Có một cô đơn ngàn năm ở đó. Lớp ý nghĩa sau cùng, bị che khuất bởi các hình ảnh thực là những câu hỏi không ít căng thẳng với con người, trước nhất là tác giả”.

“Rất có thể vì chất siêu thực lãng mạn mới mẻ này mà tranh của Lê Huy Tiếp khi đó đã bị hạ xuống”, bà Bùi Như Hương phỏng đoán. “Người ta rụt rè nói rằng nó xa rời thực tế, thiếu tính quần chúng. Quả thật, quan niệm về nghệ thuật và sáng tạo bấy giờ còn rất hạn chế, tới mức thiển cận. Những quan chức nghệ thuật luôn e ngại tất cả những gì mới lạ, khác biệt, không quen mắt, không nằm trong định hướng hiện thực”.

Cũng phải nói, năm 1976 là thời điểm các sáng tác tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc phần nhiều vẫn đi theo lối hiện thực cách mạng. Trước đó, theo lời ông Tiếp, một người đã phải giải thích với một lãnh đạo đi thăm triển lãm rằng, đó là bức vẽ của một họa sĩ miền Nam. Bức tranh vẽ về người phụ nữ đang nhớ chồng đi bộ đội.

Thế hệ đổi mới đầu tiên

Cũng theo bà Hương, các quan chức nghệ thuật khi cho rằng ông Tiếp xa rời thực tế đã không biết rằng ông lại là một họa sĩ rất hiện thực. “Thực chất Lê Huy Tiếp là một họa sĩ rất hiện thực, và yêu hiện thực tới mức muốn đặt cả hiện thực vào tranh mình. Song, đối với anh, chất siêu thực lãng mạn là cần thiết, bởi đó chính là bầu không khí nuôi dưỡng sáng tạo, là tố chất quan trọng hàng đầu để tạo nên tác phẩm. Không có nó thì hiện thực cũng chỉ là một thể xác không hồn, một sự bắt chước vô nghĩa, không thành tác phẩm”, bà Hương phân tích.

“Lê Huy Tiếp bắt đầu dựng tác phẩm từ năm 1970, và cũng như mọi nghệ sĩ, anh đã dò đường qua nhiều lối ngõ, khi là xu hướng dã thú, khi là lập thể, khi là cả trừu tượng và siêu hình. Nhưng rồi, từ năm 1975, anh dừng hẳn lại cho tới bây giờ ở một lối tả thực rất căng thẳng, xuất hiện trước tiên ở Mỹ vào năm 1960, rồi lan tràn sang châu Âu, Á với cái tên gọi là hyperréalisme - cực thực”, cố nhà phê bình Thái Bá Vân đánh giá.

Tuy nhiên, bản thân ông Lê Huy Tiếp nghiêng về ý kiến của bà Hương khi nhận định phong cách của mình. “Tác phẩm Cô gái và con chó trắng thực sự mở đầu cho một phong cách Lê Huy Tiếp - đó là phong cách hiện thực pha siêu thực lãng mạn, mà từ đây anh trung thành với nó đến cùng”, bà Hương viết.

Cũng theo bà Hương, sự có mặt của Lê Huy Tiếp tại triển lãm toàn quốc 1976, dù chỉ là 3 ngày, cũng đủ ý nghĩa như một sự kiện, một dấu hiệu đi trước, tiên báo về một thời kỳ mới của nghệ thuật Việt Nam. Trong thời kỳ mới này, nghệ thuật không còn là cái nhìn đồng nhất. Nó phát triển đúng hơn với bản chất của sáng tạo là phong phú, đa dạng và cá nhân. Theo con đường đó, mãi đến sau này, vào thời kỳ Đổi mới (sau 1986) sự tiên báo đó mới dần trở thành hiện thực.

Theo bà Hương, rất tình cờ, sau này ở miền Nam cũng có họa sĩ cùng chia sẻ đồng cảm với ông Tiếp về bút pháp là Đỗ Quang Em. “Nhưng họ là hai thể chất và tinh thần khác nhau. Đỗ Quang Em trở về với ánh sáng âm u, bí ẩn của thời cổ điển, Lê Huy Tiếp hướng ra thiên nhiên và tinh thần hiện đại”, bà Hương viết.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp còn một mảng tác phẩm khác rất đồ sộ - đó là mảng tranh đồ họa. Cho tới giờ, ông vẫn là một tên tuổi tranh đồ họa lớn của hội họa trong nước.

Tuy nhiên, trong danh sách tác phẩm nhận giải thưởng nhà nước của ông, phần lớn vẫn là sơn dầu, phong cách hiện thực pha siêu thực lãng mạn. Từ những tác phẩm này, tinh thần đổi mới của ông bộc lộ rõ rệt, cũng như bút pháp của riêng ông được phô bày thuyết phục. Chúng là những dấu hỏi liên tiếp, đằng sau những hình ảnh thực như ảnh chụp, thực hơn ảnh chụp. Những dấu hỏi về sự cô đơn, sự vô nghĩa của chiến tranh, về thân phận con người.

Đã có những phân kỳ mỹ thuật xếp ông vào thế hệ Đổi mới đầu tiên. Họ là những người thể nghiệm và vượt ra khỏi dòng thẩm mỹ Đông Dương và Hiện thực XHCN trong những năm 1980-1990. Trong danh sách này, ông đứng cùng Đỗ Sơn, Đặng Thị Khuê, Lý Trực Sơn, Đỗ Thị Ninh... Thế hệ thứ hai được tạm coi là có Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Trương Tân, Lê Quảng Hà, Trần Lương... Thế hệ thứ ba có Đinh Ý Nhi, Đinh Công Đạt, Nguyễn Minh Thành, Châu Giang, Thắm Poong...

Các tác phẩm được giải thưởng nhà nước của họa sĩ Lê Huy Tiếp cũng nằm trong khoảng thời gian 1980-1990 này. Bức Chiến tranh (1986), Đợi (1996) và Eva trở về (1997). Đây là thời điểm mà họa sĩ Trịnh Cung gọi là “cùng với văn học và sân khấu, hội họa Việt Nam đã bùng lên sự hào hứng vào những năm đầu có Đổi mới”. Để rồi, tiếp theo đó mỹ thuật Việt Nam đã khiến nhiều nhà buôn tranh và chơi tranh quốc tế tìm đến, được chào hàng tới các thị trường mỹ thuật như Hồng Kông, Singapore, Seoul, Bangkok. Tranh của ông Tiếp cũng đã ra với thế giới từ những năm 1984 qua các bộ sưu tập tư nhân, và tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cũng xếp ông vào danh sách các họa sĩ để lại dấu ấn trong 10 năm đầu của Đổi mới. Bà Hương gọi đây là thời kỳ thăng hoa đặc biệt của hội họa. “Cũng chính ở thời kỳ này, mỹ thuật trẻ Việt Nam cùng một lúc thể hiện sự chia tay dần dần với giai đoạn hiện thực cổ điển truyền thống trước đó để bước nhanh vào giai đoạn “hiện đại hóa”, hay còn gọi là mô đéc hóa ngôn ngữ tạo hình, rất gấp gáp”, bà Hương viết.

Chính trên con đường “hiện đại hóa” này, họa sĩ Lê Huy Tiếp thuộc nhóm mở đường. Bằng sự cô đơn, ám ảnh, bằng những câu hỏi qua ngôn ngữ cực thực. Sự cô đơn, nỗi hoài nghi này sau đó đã lớn dần trong các tác phẩm hội họa đương đại. 

Trinh Nguyễn

>> Họa sĩ gốc Việt tham dự 3 triển lãm mỹ thuật danh giá
>> Họa sĩ Trần Ngọc Huyền đã về với Hương của đất
>> Họa sĩ gốc Việt thổi hồn cho Người Dơi
>> Chiếc bình trị giá 1 triệu USD của họa sĩ Trung Quốc bị đập vỡ tại Mỹ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.