Ly kỳ giá tranh họa sĩ Việt từ 1,5 triệu đấu giá thành 8 tỉ đồng

26/05/2013 12:40 GMT+7

(TNO) Một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, từng được bán với giá 75 USD (khoảng 1,5 triệu đồng), được mang ra đấu giá tại Hồng Kông (Trung Quốc) và đạt mức giá cao ngất: 3,03 triệu đôla Hồng Kông (hơn 8 tỉ đồng).

>> Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 1: Bức tranh của người họa sĩ "Tây học" đầu tiên
>> Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 2: Sự trở về của bức tranh lụa
>> Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 3: Miếng “vá” trên "Người đàn bà hái rau muống
>> Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 4: Đằng sau những bức chân dung
>> Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 5: Những bức tranh có “lửa”

Bloomberg ngày 26.5 đưa tin bức tranh La Marchand de Riz (tên tiếng Anh: The Rice Seller - tạm dịch: Người bán gạo) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vừa được mang ra bán tại buổi đấu giá do hãng đấu giá Christie tổ chức tại Hồng Kông vào tối 25.5.


Bức tranh La Marchand de Riz (tên tiếng Anh: The Rice Seller - tạm dịch: Người bán gạo) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - Ảnh: Bloomberg

Bức tranh được mua ở một mức giá ấn tượng: 3,03 triệu đôla HK (hơn 8 tỉ đồng). Hãng tin Bloomberg cho rằng đây là mức giá cao nhất dành cho một bức tranh của họa sĩ Việt Nam.

Trong buổi đấu giá do hãng Sotheby tổ chức tại Hồng Kông hồi tháng 4.2012, một bức tranh của họa sĩ Lê Phổ đạt giá 2,9 triệu đôla Hồng Kông (7,8 tỉ đồng) .

Điều đáng nói là trước đó, bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (vẽ từ năm 1932) được định giá ban đầu chỉ... 75 USD (khoảng 1,5 triệu đồng).

Theo Bloomberg, sở dĩ bức tranh được định giá thấp như vậy vì người ta nhầm tưởng đây là bức tranh của một họa sĩ người Trung Quốc tập sự.

Sau khi bức tranh được chuyển đến các chuyên gia trong khu vực châu Á xem xét, họ nhận ra bức tranh này có chữ ký của tác giả và giá trị nó vào khoảng 800.000 đến 1 triệu đôla Hồng Kông.

Jean Francois Hubert, chuyên gia cao cấp của hãng Christie, nhận định: "Bức tranh này là một tác phẩm hoàn hảo. Khung tranh do chính chuyên gia Gardin ở Paris (Pháp) thực hiện và bức tranh này từng được trưng bày ở thành phố Napoli (Ý) vào năm 1934".

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo xã Trung Tiết, H.Thạch Hà (nay thuộc TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1925, ông trúng tuyển khóa đầu tiên vào Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa Chơi ô ăn quan cùng một số họa phẩm khác như Cô gái rửa rau, Em bé cho chim ăn, Lên đồng. Cũng năm này tại triển lãm Paris (Pháp) một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được giới thiệu. Từ đó, ông được coi là người sáng lập ra hội họa lụa hiện đại Việt Nam.

Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh làm giảng viên hội họa Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1957, ông được bầu vào BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất; Truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.

Nhà phê bình Thái Bá Vân đánh giá ông là một nghệ sĩ thành công trong đơn độc, không lập được trường phái, cũng không có thế hệ nối tiếp và phát huy bút pháp cá biệt của mình ở Việt Nam.

Ngát Ngọc

>> “Ước mơ xanh” của hoạ sĩ Mai Châu
>> Nghề cười nhớ họa sĩ Chóe
>> Người họa sĩ không ngừng sáng tạo
>> Triển lãm của họa sĩ trẻ Quảng Trị
>> 12 họa sĩ triển lãm đầu năm
>> Họa sĩ Trần Thùy Linh: Sáng tạo cần phải được nuôi dưỡng
>> Thơ tình của lão họa sĩ hơn trăm tuổi
>> Họa sĩ Trần Minh Tâm: Con đường nào cũng nhiều thử thách
>> Họa sĩ Tôn Đức Lượng - 'Thư ký thời đại' tái xuất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.