Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tiếng cồng quân y ngân rung giữa núi rừng

18/03/2021 06:15 GMT+7

Tiếng cồng quân y là bài hát do Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang (sau là tiểu đoàn phó) sáng tác. Dù tác giả nằm lại Tây Tiến ở tuổi đôi mươi song ca khúc được người dân địa phương truyền miệng hết thế hệ này đến thế hệ khác.

 

Lời hát ngân rung giữa núi rừng

Sinh thời, bác sĩ Lê Hùng Lâm vẫn thường nhắc đến Châu Trang thuộc H.Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây tập trung đông nhất những chiến sĩ Tây Tiến đã nằm xuống vĩnh viễn ở tuổi thanh xuân. Khi đã ngoài 70 tuổi, tìm về Châu Trang, đứng trước đài liệt sĩ ven đường lúc đó là cái cột gạch rêu phong, thân vỡ để lại một hốc to, ông Lâm tưởng như Tiếng cồng quân y lại vang lên.
Nghĩa trang Châu Trang là nơi chứng kiến nhiều đau thương nhất của Trung đoàn Tây Tiến. Họa sĩ Văn Đa nhớ lại có nhiều anh em chết lâm sàng, nửa đêm tỉnh dậy. Lại có trường hợp một chính trị viên tên Truyền mà ông Văn Đa không rõ quê quán nơi đâu, bị sốt rét nặng, trước lúc nhắm mắt, nửa người còn run, nói: “Chắc tớ không sống được qua đêm nay, tớ còn bộ quần áo và túi dệt đỏ, cậu lấy mà dùng”. Đêm hôm đó, chiến sĩ Truyền tắt thở, nửa người vẫn còn run run vì sốt rét. Điều này cứ hằn sâu mãi trong trí nhớ họa sĩ Văn Đa.
Những chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến “bỏ quên đời” ngày đầu còn có chiếu, có áo, có khăn theo, nhưng về sau chẳng có “da ngựa bọc thây” mà là mảng bương, nứa làm đau quặn lòng những người ở lại. Bác sĩ Kiều Thanh Thôn, nữ chiến sĩ cứu thương của Tây Tiến, kể thơ Quang Dũng có câu “Áo bào thay chiếu anh về đất”, đấy là ngoài chiến địa, còn ở Châu Trang, đồng bào lấy nứa đan lại, bọc anh em mang chôn. Mỗi khi nhớ đến, bà lại bật khóc…
Trong ký ức của cựu chiến binh Tây Tiến, có tới 200 lần phải tiễn đưa tử sĩ cùng “áo bào thay chiếu” và mảng bương, mảng nứa, về đất. Những lần đó, tiếng cồng Châu Trang lại vang lên.
“Anh nghe thấy những hồi cồng rền rĩ/Tiếng cồng khua lừng nơi quân y/Cồng rung tiếng lá run run/Tiếng cồng vang núi đá âm u rền xa/Cồng âm i âm i âm i/Từng đợt tiếng lầm lì/Tới tai người chiến sĩ ốm đau xa nhà/Lòng chàng run lên/Cồng tiễn một đồng chí qua đời tới nơi ngàn thu/Chàng chưa muốn chết, nước non chưa yên/Nhưng bệnh tình trầm trọng đã mang chàng đi/Mà chí trai không sờn/Mà chí trai còn say máu xâm lăng/Anh nghe thấy những hồi cồng rền rĩ/Tiếng thở dài của người chiến sĩ tiếc hiên ngang!”.
Nhạc sĩ Mặc Hy sinh thời bình luận: “Mới nghe những lời đầu bài hát, ta tưởng là một bài hát buồn (làm sao không buồn khi bao đồng đội qua đời!). Đọc tiếp, ta ngạc nhiên: bài hát buồn không viết ở gam thứ, mà lại ở gam rê trưởng, cho ta thấy trong cái bi hùng của cuộc chiến vẫn thấy cái tươi sáng của tương lai”.
Cựu chiến binh Trần Kỳ kể ông là người đầu tiên được Như Trang chia sẻ bài hát này sau khi sáng tác xong. Tiếng hát của Trần Kỳ hòa cùng tiếng đàn của Như Trang trong ánh lửa bập bùng giữa núi rừng thanh vắng.
“Chúng tôi hát với linh hồn của hàng trăm chiến sĩ chết vì sốt rét, cùng tiếng cồng của người trưởng bản mỗi khi đem chôn anh em đã mất trong manh chiếu, tạo nên cảm giác ớn lạnh trong tâm hồn. Khi tôi hát đến đoạn hai: “... người chưa muốn chết, nước non chưa yên, nhưng mảnh rừng ác độc đã đưa người xuống nơi tuyền đài...” thì tiếng đàn bỗng tắt lịm và tôi thấy anh rơm rớm nước mắt. Rồi cả hai chúng tôi cùng ôm nhau khóc! Chúng tôi không hát thêm được nữa. Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi”, ông Trần Kỳ hồi tưởng.

Ca khúc Tiếng cồng quân y

ẢNH: T.L

Phủ kín mình con nghĩa nước non

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 19.11.1948, Nguyễn Như Trang - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150 Trung đoàn 52 Tây Tiến, hy sinh ở tuổi 21 tại thôn Ngọc Châu (nay là xã Tự Do, H.Lạc Sơn), tỉnh Hòa Bình. Sự hy sinh của Tiểu đoàn phó Như Trang khiến kẻ thù cũng phải khâm phục. Điều này ông Trần Kỳ biết được khi về Tiểu ban Địch vận thuộc Phòng Chính trị Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Một hôm, khi tiếp xúc với một hàng binh là Grand Wath Wath (tên tiếng Việt là Cao) người Algeria, anh ta đã kể lại cuộc chiến đấu giữa một mình Như Trang với cả trung đội lính lê dương Pháp. Trung đội lính lê dương thiện chiến đã phải bỏ mạng gần chục tên dưới chân nhà sàn. Hơn một giờ sau, chúng mới hạ gục được Như Trang. Đứng trước người chiến sĩ Việt Nam dũng cảm gục trong vũng máu, trên tay vẫn cầm khẩu côn bát còn vương khói, viên trung úy chỉ huy người Pháp lên tiếng thán phục: “Je salut profound avant le mourir heroisquement du jeune officier!” (Tôi cúi đầu chào, thán phục trước cái chết anh hùng của người sĩ quan trẻ tuổi).
Cụ Nguyễn Như Hoàn được tin con trai hy sinh đã làm mấy câu thơ khóc con: “Đắp mãi mồ con, ngại nặng con/Hỏi con còn mất, mất hay còn?/Tình cha đã nặng, vun chi đất/Phủ kín mình con nghĩa nước non”.
Năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến, tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ tri ân, trưng bày hiện vật, kỷ vật bộ đội Tây Tiến. Lần đầu tiên nhạc phẩm Trấn biên cương và những sáng tác của liệt sĩ Như Trang năm 1947 được cất lên. Tỉnh Hòa Bình đã lập hồ sơ đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm Trấn biên cương của ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.