Người đoạt giải Nobel xài tiền thưởng như thế nào

07/10/2013 14:41 GMT+7

(TNO) Những người đoạt giải Nobel sẽ làm gì với số tiền thưởng 1,25 triệu USD luôn là vấn đề mà giới truyền thông và dư luận quốc tế quan tâm.


Serge Haroche, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2012 - Ảnh: AFP

Khi nhà khoa học người Anh, ông Paul Nurse đoạt giải Nobel Y học hồi năm 2001, ông đã quyết định trích một ít tiền thưởng nâng cấp chiếc xe môtô của ông, theo AFP ngày 7.10. 

Còn nhà khoa học Richard Roberts, người cùng ông Nurse đoạt giải Nobel Y học 2011, chi tiền làm một sân cỏ môn bóng vồ (croquet) ngay trước nhà mình.

Nhà văn người Úc, bà Elfriede Jelinek, đoạt giải Nobel Văn học 2004, cho rằng số tiền thưởng giúp bà “tự chủ tài chính”.

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu vào hôm nay 7.10, với giải Nobel Y học được công bố đầu tiên và cuối cùng là giải Nobel Kinh tế.

Những người đoạt giải Nobel năm 2013 cũng sẽ phải quyết định xài tiền như thế nào, mỗi giải Nobel trị giá 1,25 triệu USD.

Ông Lars Heikensten, Giám đốc điều hành Tổ chức Nobel (Thụy Điển), cho biết những người đoạt giải Nobel không có xu hướng dùng tiền thưởng đi mua sắm.

“Tôi nghĩ việc xài tiền thưởng tùy thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như họ đến từ quốc gia nào, tình hình tài chính cá nhân của họ ra sao...”, ông Heikensten nói.

Lấy tiền thưởng Nobel đầu tư bất động sản

Tuy nhiên, theo AFP, đa số người đoạt giải Nobel dùng tiền thưởng mua bất động sản, và cũng có một số người công khai việc họ xài tiền thưởng.

Giải thưởng 1,25 triệu USD nghe có vẻ nhiều nhưng tiền thưởng sẽ được chia đều nếu nhiều người cùng đoạt một giải.

Nhà khoa học Wolfgang Ketterle, thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), cùng hai đồng nghiệp khác đoạt giải Nobel Vậy lý 2011, đã lấy tiền thưởng đầu tư mua một căn nhà và đóng tiền học cho con cái của ông.

“Gần phân nửa tiền thưởng của tôi đã đem đi đóng thuế ở Mỹ rồi, vì thế cũng chẳng có gì nhiều", ông Ketterle cho hay.

Ông Phillip Sharp, cùng một nhà khoa học Mỹ khác đoạt giải Nobel Y học năm 1993, đã dùng tiền thưởng của mình để mua một căn nhà cổ 100 năm tuổi.

“Tiền thưởng không thành vấn đề... cái quan trọng mà giải thưởng mang lại là sự công nhận”, theo ông Sharp.

Đối với những người mới đoạt giải Nobel, họ không có thời gian để suy nghĩ về việc dùng tiền thưởng cho việc gì, bởi vì họ bận rộn với hàng loạt những cuộc họp, hội thảo... trong năm đầu tiên sau khi nhận giải.

“Tôi đã không có thời gian để suy nghĩ về tiền thưởng. Tôi phải tham gia quá nhiều sự kiện”, ông Serge Haroche, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2012, cho biết.


Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006 - Ảnh: AFP

Ông Haroche cũng tiết lộ với AFP rằng ông dự định dùng tiền thưởng đầu tư vào bất động sản, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức.

Lấy tiền thưởng làm từ thiện, giúp người nghèo

Nhà kinh tế học Muhammad Yunus của Bangladesh, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006, dùng tiền thưởng thành lập một bệnh viện mắt chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và một công ty sản xuất thực phẩm giá rẻ cho người nghèo.

Ông Yunus là người sáng lập ra ngân hàng Grameen, ngân hàng cho vay lãi suất cực thấp giúp người nghèo thoát nghèo ở Bangladesh. Đây là ý tưởng giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006.

Đa số những người đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình, thường là các chính trị gia, nhà hoạt động, dùng tiền thưởng làm từ thiện.

Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009 và Liên minh châu Âu nhận giải Nobel Hòa bình măm 2012, quyên góp hết số tiền thưởng cho các tổ chức từ thiện.

Phúc Duy

>> Những con số thú vị của giải Nobel
>> Tổng thống Putin được đề xuất nhận giải Nobel Hòa bình
>> Mùa giải Nobel 2013 bắt đầu từ ngày 7.10
>> EU đau đầu vì Nobel Hòa bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.