Người đưa sen Việt xuất ngoại

26/03/2017 08:33 GMT+7

7 năm lăn lộn ở Pháp nhưng anh Ngô Chí Công vẫn đau đáu hướng về quê hương.

Để rồi khi cầm tấm bằng thạc sĩ công nghệ hóa trên tay, anh về VN quyết tâm thực hiện giấc mơ đưa cây sen quê nhà đi khắp năm châu.
Hơn 2 năm khởi nghiệp không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để anh Công (28 tuổi, ngụ P.4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) hiểu, đánh giá đúng năng lực của mình và có những định hướng quan trọng cho tương lai. “Đến nay tôi đã thực hiện một phần giấc mơ đưa sen Việt ra thế giới. Phía trước còn lắm gian nan nhưng tôi tin mình sẽ thành công”, anh Công tâm sự.
Theo anh Công, trước đây anh đã từng góp vốn với một số người bạn mở một cửa hàng bán bánh ngọt, rồi làm bình hoa bằng sứ nhưng không hiệu quả. “Có lẽ cái duyên với hoa sen và nợ quê hương đã kéo tôi về Đồng Tháp. Để rồi trong một lần du lịch Đà Lạt, tôi phát hiện tại đây có bán hoa hồng bất tử và sản phẩm này do con người làm nên tìm đến tham quan, sau đó nảy ra ý tưởng làm sen ướp tươi với mong muốn giữ gìn và đưa hình ảnh hoa sen quê hương ra thế giới”, anh Công nói.
Theo Công, bản thân anh rất trăn trở vì sen rất đẹp, nổi tiếng nhưng không có điều kiện làm quà cho bạn bè quốc tế vì thời gian sử dụng ngắn. Đặc biệt, quê hương anh - “Đất sen hồng Đồng Tháp”, còn có rất nhiều nông dân trồng sen lam lũ, bản thân anh luôn muốn làm một cái gì đó góp phần nâng giá của cây sen, cũng là nâng cao đời sống cho họ. “Trong suy nghĩ, ngoài việc tìm cách kéo dài thời gian sử dụng của hoa sen, tôi dự định tạo ra những sản phẩm lưu niệm, những bức tranh ghép từ cánh hoa sen, tranh lá sen để trang trí nội thất… Quan trọng là làm sao truyền tải hết những nét tinh túy của hồn dân tộc trong những tác phẩm, sản phẩm của mình”, anh Công cho biết thêm.
Sau khi nảy ra ý tưởng, anh Công đã vận dụng kiến thức được học ở Pháp để lưu giữ vẻ đẹp vốn có của hoa sen. Tuy nhiên, để việc bảo quản duy trì hoa sen tươi lâu rất khó khăn và vất vả. Anh Công cho hay hiện nay chưa có nhiều người khai thác về lĩnh vực bảo quản này, đặc biệt đối với loại hoa sen vì loại hoa này khó bảo quản hơn so với những loại hoa khác bởi cánh của nó rất dễ bị rụng và thời gian giữ tươi không được lâu. “Trước đây, tôi làm tỷ lệ hư hỏng rất cao, có khi không được bông nào phải lỗ vốn”, anh Công nói.
Sau rất nhiều lần thất bại anh cũng thành công khi tỷ lệ hư hỏng chỉ khoảng 10%. Theo anh Công, điểm khác biệt của sản phẩm hoa sen ướp tươi với hoa thông thường chính là thời gian bảo quản. Nếu hoa sen tươi chỉ giữ được 1 - 2 ngày thì hoa sen ướp tươi có thể giữ được nhiều tháng không bị héo, tàn.

tin liên quan

Cậu bé ung thư ước mơ làm CSGT: Biến điều ước thành sự thật
Cậu bé Lê Văn Khang đang điều trị ung thư xương ác tính tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ước mơ cháy bỏng trở thành CSGT từ nhỏ. Thế nhưng, ước mơ của Khang ngày một xa dần vì có thể em phải tháo cánh tay của mình. Ngày 23.3, một 'phép màu' đã xảy ra với Khang. 
Sau khi nghiên cứu thành công, từ năm 2015, anh Công bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Rồi anh kết nối những bạn học, các Việt kiều ở Pháp để đưa sản phẩm qua đó và bước đầu cho thấy thị trường châu Âu rất tiềm năng. “Do hoa sen đặc trưng chỉ có ở một số vùng trên thế giới nên người phương Tây thấy rất lạ. Từ lạ đó họ tìm hiểu và thông qua quảng bá, họ biết rằng hoa sen mang những nét văn hóa của người Việt nên đánh giá rất cao. Ngoài ra, họ cũng chú ý đến lá sen hoặc những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sen vì họ cho rằng có tính nghệ thuật cao”, anh Công nói.
Hiện nay, ngoài nghiên cứu ướp giữ tươi hoa sen, anh Công còn làm thêm những sản phẩm thủ công để phụ trợ trang trí, đặc biệt là tranh ghép từ cánh và lá sen. Anh cũng thành lập công ty tại TP.Cao Lãnh và mở chi nhánh tại TP.HCM để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm sen.
Nói về tương lai, anh Công chia sẻ: “Hiện tôi tiếp tục cải tiến theo hướng giữ sen tươi lâu hơn đồng thời mở rộng một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Đặc biệt, tôi sẽ nghiên cứu làm thêm sản phẩm hoa hồng ướp tươi, một loại hoa khá nổi tiếng ở Sa Đéc (Đồng Tháp) để giới thiệu với bạn bè thế giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.