Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 4: Tiến lên kinh tế kỹ thuật cao

27/03/2015 07:35 GMT+7

Từ một trung tâm thương mại làng nhàng tại khu vực, chỉ trong 20 năm, Singapore đã trở thành một nền kinh tế kỹ thuật cao, được xây dựng bằng uy tín.

Từ một trung tâm thương mại làng nhàng tại khu vực, chỉ trong 20 năm, Singapore đã trở thành một nền kinh tế kỹ thuật cao, được xây dựng bằng uy tín.

Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - KỲ 4: Tiến lên kinh tế kỹ thuật caoÔng Lý Quang Diệu (trái) gặp Tổng thống Mỹ George H.W.Bush năm 1989 - Ảnh: AFP
Ông Lý Quang Diệu từng kể rằng, những ngày đầu lập quốc, quan chức của Cục Phát triển kinh tế (EDB) đi tiếp cận các doanh nghiệp Mỹ để tìm kiếm đầu tư, một số tổng giám đốc còn không biết Singapore nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Ngày đó, Singapore với 2 triệu dân đã là một trung tâm thương mại của khu vực, nhưng hoạt động kinh tế chính chỉ là buôn bán với các nước láng giềng. Sau khi tuyên bố độc lập, Singapore mất đứt hai đối tác thương mại chính là Malaysia và Indonesia. Nạn thất nghiệp gia tăng từ năm 1959 nay đứng trước nguy cơ tăng cao hơn.
Đau đầu tìm mô hình kinh tế mới để đảm bảo đời sống cho dân, ông Lý Quang Diệu cùng các cộng sự và chuyên gia tư vấn người Hà Lan Albert Winsemius đi đến một chiến lược 2 trọng điểm: nhảy cóc lên thẳng nền kinh tế kỹ thuật cao như Israel; và xây dựng một “ốc đảo” với các tiêu chuẩn của Thế giới thứ nhất. Để có nền kinh tế kỹ thuật cao, Singapore phải làm ăn với châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, ông Lý xác định.
Tiếp cận doanh nghiệp Mỹ
Tháng 10.1967, ông Lý đến Mỹ, gặp gỡ 50 doanh nhân lớn của nước này tại thành phố Chicago. Khác với tư thế của nhiều lãnh đạo ở những quốc gia non trẻ, ông Lý không có cách tiếp cận mang tính “xin xỏ”, mà là thuyết phục họ đầu tư vào Singapore. Vì vậy, ông tạo được ấn tượng tốt ban đầu.
Mùa thu năm 1968, ông Lý đích thân đến Đại học Harvard “tầm sư học đạo” mấy tháng. Tại đây, ông gặp gỡ và nói chuyện với các giáo sư, doanh nhân, nhà hoạch định chính sách... từ Trường Kinh doanh Harvard đến Trường Hành chính công Kennedy. Giáo sư kinh tế Ray Vernon đã đánh đổ niềm tin bấy lâu của ông Lý rằng các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ không bao giờ chuyển dây chuyền sản xuất của mình tại các nước tiên tiến sang các nước Thế giới thứ 3. “Điều đó sẽ xảy ra khi một quốc gia ít tiên tiến có được một lực lượng lao động có kỷ luật, nhanh chóng nắm bắt các kỹ năng làm việc với máy móc, một chính quyền ổn định và hữu hiệu”, Giáo sư Vernon khẳng định. Và ông Lý tin mình làm được.
Cũng trong thời gian này, ông tiến hành nhiều buổi đối thoại với các doanh nhân Mỹ và lấy được niềm tin của họ bằng cách trả lời thẳng thắn và trực tiếp những câu hỏi khó. Và ngay trong tháng 10.1968, Texas Instrument đã mở nhà máy lắp ráp thiết bị bán dẫn, ngành công nghệ tiên tiến khi ấy, tại Singapore. National Semiconductor lập tức theo chân. Ngay sau đó, Hewlett-Packard (HP), đối thủ hạng nặng của 2 công ty trên, đã đưa chuyên gia đến Singapore tiền trạm.
Câu chuyện Singapore đáp ứng ngay lập tức điều kiện ngặt nghèo của chuyên gia HP là một bài học đáng noi theo. Ông Lý kể trong Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000 rằng: Khi thương lượng địa điểm đặt nhà máy, ông này đề nghị thuê 2 tầng trên cùng của một tòa nhà 6 tầng. Nhưng tại thời điểm ấy, thang máy để nâng các thiết bị hạng nặng lại thiếu một bộ phận chuyển hóa điện. Thay vì cho đối tác đi bộ 6 tầng lầu và hứa hẹn sẽ lắp sau, EDB ngay lập tức kéo một sợi cáp lớn từ tòa nhà kế bên móc vào thang máy. Vào lúc chuyên gia này đến xem tòa nhà mình định thuê, thang máy đã hoạt động, khiến vị khách rất hài lòng và quyết định đầu tư ngay.
Theo chân HP, hàng loạt tập đoàn đa quốc của Mỹ kéo vào Singapore. General Electric (GE) năm 1970 xây 6 nhà máy sản xuất thiết bị điện và động cơ điện. Vào cuối thập niên 1970, GE trở thành nhà tuyển dụng lao động lớn nhất ở Singapore. Bắt đầu từ năm 1975, Singapore đã có thể vô tư loại những nhà đầu tư có phần ngạo mạn, thậm chí to như Công ty xe hơi Mercedes-Benz của Đức đòi chủ nhà phải duy trì vĩnh viễn bảo hộ thuế quan cho họ. Những công ty Mỹ, với tư duy đổi mới công nghệ, sản phẩm liên tục, khiến giá thành sản phẩm hạ xuống, tạo điều kiện cho họ trả lương công nhân cao hơn, đã trở thành thành tố chính yếu của nền kinh tế Singapore.
Môi trường và uy tín
Ngoài môi trường đầu tư tốt, ông Lý còn xây dựng sân bay Changi, con đường nối sân bay đến các khách sạn cao cấp mà doanh nhân nước ngoài thường ở và đường đến Văn phòng Thủ tướng tuyệt đẹp, quang đãng để thuyết phục họ ngay lần đầu tiên đến tìm hiểu đầu tư ở Singapore.
Ông Lý cũng tâm niệm: “Nếu phải chọn một từ để giải thích cho thành công của Singapore. Tôi nói, đó là niềm tin”. Ông dẫn chứng, khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới xảy ra năm 1973, khiến giá dầu thế giới lên cao, Singapore có thể buộc các công ty lọc dầu nước ngoài như BP, Shell, Esso... giữ lại dầu để cung cấp cho riêng Singapore, nhưng ông đã không làm vậy. “Tôi đã công khai bảo đảm với họ vào ngày 10.11.1973 rằng Singapore chia sẻ việc bị cắt giảm cung cấp dầu như những khách hàng khác theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn”, ông nói. Và điều đó nâng uy tín của Singapore đối với nhà đầu tư. Vào năm 1990, khi ông Lý Quang Diệu thôi chức thủ tướng, Singapore là trung tâm lọc dầu lớn thứ 3 thế giới sau Houston (Mỹ) và Rotterdam (Hà Lan); trung tâm thương mại dầu khí lớn thứ 3, sau New York (Mỹ) và London (Anh); và là trung tâm bơm chuyển xăng dầu đứng đầu thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.