Người gác rừng ở khu rừng lịch sử

14/03/2013 10:33 GMT+7

Dù đã 78 tuổi, nhưng ông Giốt Sum (người dân tộc Khmer) vẫn miệt mài canh gác cho sự bình yên của khu rừng di tích lịch sử Huyện Ủy Châu Thành (xã Hòa Thạnh, H.Châu Thành, Tây Ninh).

Nhiều năm gần đây, khu rừng di tích lịch sử Huyện ủy Châu Thành đã không còn cảnh bị chặt phá. Thế nhưng, nỗi lo của những con người nhận nhiệm vụ gác rừng ở đấy vẫn nặng nề khi hỏa hoạn do sự bất cẩn của người dân vẫn đang diễn ra.

Người gác rừng ở khu rừng lịch sử 
Ông Giốt Sum thuộc từng gốc cây trong khu rừng. Ảnh: Giang Phương

Một buổi trưa đầu tháng 3.2013, chúng tôi tìm đến nhà ông Giốt Sum, Tổ trưởng tổ 2 Đội bảo vệ rừng Hòa Thạnh (H.Châu Thành), ở ngay cạnh khu vực rừng lịch sử, nơi ông nhận nhiệm vụ bảo vệ. Dù nắng gắt gao như thiêu đốt ở vùng biên giới giáp ranh Campuchia, nhưng ông vẫn sốt sắng dẫn chúng tôi đi sâu vào khu rừng di tích đã gắn với ông suốt 16 năm qua. Khu rừng lịch sử có diện tích 197 ha (toàn xã Hòa Thạnh hiện có hơn 397 ha đất rừng, trong đó còn có 200 ha rừng sản xuất -PV).

 
Ông Giốt Sum tham gia cách mạng từ năm 1960, từng là Tiểu đội trưởng bảo vệ chiến khu D. Trong một trận càn, ông Giốt Sum bị thương và trở thành thương binh hạng ¾. Năm 1974, ông về làm Xã đội phó xã Hòa Thạnh, rồi cùng đồng đội tham gia đánh giặc Pôn Pốt tại biên giới Tây Nam. Từ năm 1997 đến nay, ông được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu rừng lịch sử tại xã Hoà Thạnh.

Mặc dù đã lớn lên từ nhỏ trên mảnh đất Tây Ninh nhưng với gốc người Khmer khiến cho giọng Việt của ông Giốt Sum cứ lơ lớ, nhưng rất nhiệt tình trong từng câu chuyện. Chưa kịp lau giọt mồ hôi trên trán, ông Giốt Sum (tên trong giấy tờ hành chính là Nguyễn Thành Mai) rành rọt kể nhiều điều về câu chuyện rừng mà ông biết. Ông Giốt Sum chậm rãi: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu rừng này là căn cứ cách mạng của Huyện ủy Châu Thành. Cuộc chiến khi đó ác liệt lắm, khu rừng trở thành người bạn sát cánh của các đồng chí cách mạng nên giờ chúng tôi cũng cố gắng hết sức để bảo vệ cho thế hệ con em hiểu chút về lịch sử của cha ông ta”

Dừng chân bên gốc một cây dầu nước khoảng chừng 20 năm tuổi, ông Giốt Sum cho hay: “Từng một thời trước đây, khu rừng này bị người dân tràn vào tàn phá rất dữ dội nên những cây gỗ quý như giáng hương đã không còn nữa. Giờ rừng còn lại những gỗ như sai, trám, dầu nước thôi”

Tổ gác rừng do ông Giốt Sum làm đội trưởng gồm 6 người phải thường xuyên tuần tra liên tục trong ngày để ngăn chặn người dân đốn cây lấy củi hay phá rừng lấy gỗ. Không chỉ góp công giữ gìn tài sản chung đó, ông Giốt Sum còn dốc sức sức vận động con cháu trong gia đình và bà con trong xóm ấp, nhất là những người dân tộc Khmer để họ cùng bảo vệ rừng. “Ban đầu thì chẳng ai nghe mình đâu nhưng dần dần họ cũng ý thức được bảo vệ rừng còn là lợi ích chung, tài sản chung của bà con ở đây. Bây giờ đang mùa nắng, chúng tôi sợ cháy rừng còn hơn lâm tặc nên càng quyết tâm bảo vệ hơn nữa”, ông Giốt Sum tâm sự.

Với số tiền phụ cấp mỗi tháng chỉ 900.00 đồng, nhưng suốt 16 năm qua, ông Giốt Sum vẫn hết mình với công việc và hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều năm liền ông nhận được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng. Nói về động lực đã khiến ông dốc lòng làm nhiệm vụ, ông tự hào: “Tôi được rèn luyện từ một người lính, nhiệm vụ nào được Đảng giao phó dù dễ hay khó tôi cũng phải hết lòng hoàn thành nhiệm vụ”.

Giang Phương

>> Nguy cơ cháy cao, hơn 500 người giữ rừng U Minh
>> Trồng mây giữ rừng
>> Cuộc chiến giữ rừng: Chưa có hồi kết...
>> Cuộc chiến giữ rừng: Máu đổ giữa rừng xanh
>> Chuyện đồng bằng: Giữ rừng để bảo vệ đồng bằng
>> Ông Tây giữ rừng Hòn Hèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.