Góp gạo cho người nghèo
Mỗi ngày hai buổi trưa, chiều, quán cơm chay miễn phí Phước Thiện (đường Ung Văn Khiêm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) luôn rất đông người đến ăn hoặc nhận cơm mang về. Quán nằm gần Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm tỉnh An Giang và các trường học nên thu hút sự chú ý của người nuôi bệnh và học sinh, sinh viên.
tin liên quan
Mẹ 90 tuổi đêm ngủ lều ở Sài Gòn, ngày làm bánh nuôi 2 con đau yếuCon đã ngoài 60 nhưng vẫn được bà Trà đùm bọc. Ngày ngày, người mẹ cả đời tảo tần ấy lại thức khuya dậy sớm, làm từng sợi bánh tằm để bán kiếm tiền nuôi con.
Quán cơm Phước Thiện lúc nào cũng tấp nập người ra vào, có người vội vã lấy cơm đi, có người vào quán ngồi ăn. Chị Lê Thị Nưng (32 tuổi, ngụ H.Chợ Mới) khi lấy xong 2 phần cơm đã nói lời chia tay, cảm ơn các cô chú trong quán cơm Phước Thiện đã vất vả nấu cơm miễn phí cho những người nghèo có bữa ăn no. Chị Nưng nuôi cha bị bệnh nặng tại BVĐK trung tâm tỉnh An Giang được 9 ngày. Ngày mới vào viện, chị được người nuôi bệnh cùng phòng chỉ dẫn đến quán cơm, sau đó mỗi ngày chị đến đây lãnh cơm…
Gần bệnh viện có rất nhiều chỗ nấu ăn từ thiện như: cơm cháo từ thiện nhân đạo Dân Lập, cơm cháo lá dứa Thân Thiện… Từ 5 - 8 giờ sáng hằng ngày, những người nghèo đi nuôi bệnh hay người bán vé số lại tấp vào cháo lá dứa Thân Thiện lấy mấy bịch cháo. Bà Phan Thị The (63 tuổi), tổ trưởng nhóm cháo lá dứa lúc nào cũng chu đáo cầm bọc cháo đưa với lời dặn: “Sáng nào cũng có cháo miễn phí, có ăn tới lấy, đừng ngại”. Bà The cho biết, tổ của bà mỗi sáng nấu cháo phát cho người nghèo từ 400 - 500 bịch.
Đáng nói là tại TP.Long Xuyên có nhiều chỗ nấu cơm từ thiện như bếp cơm chay từ thiện Mỹ Long, tổ cháo Hồng Phước, nhóm nấu cơm cháo miễn phí hoạt động trong 4 ngày rằm của bà Châu, ông Chương, ông Tùng…
Rộng mở những tấm lòng thiện nguyện
Ông Nguyễn Văn Tánh (76 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) là người lập quán cơm chay Phước Thiện, cho biết quán khai trương cuối tháng 8.2017, mỗi ngày nấu khoảng 150 kg gạo phục vụ người nghèo, học sinh, sinh viên.
Diện tích quán khoảng 250 m2 nên rất rộng rãi, thoáng mát, đây là đất của ông Trần Văn Hiền, bạn thân ông Tánh cho mượn. Dù là đất mặt tiền, giá bán hoặc cho thuê rất cao nhưng vì thấy ông Tánh làm việc có ý nghĩa nên ông Hiền sẵn lòng góp sức để chung tay giúp đỡ người nghèo.
Những người bạn thân khác của ông Tánh hay tin cũng nhiệt tình ủng hộ, đóng góp gạo, củi, rau củ… có người còn tham gia nấu ăn cho quán. Nhờ vậy quán phục vụ được đông người.
Còn bà Phan Thị The chia sẻ, nhóm nấu cháo của bà có trên 15 người, hầu hết ở tuổi 60 trở lên. Bà tâm sự: “Tụi tôi là bạn học, tuổi già rảnh rỗi nên rủ nhau đi nấu cháo giúp người nghèo. Ngày đầu bỏ tiền ra nấu, sau đó vận động thêm người thân quen và các nhà hảo tâm. Sổ sách nhận gạo, rau củ được tụi tôi ghi chép rõ ràng nên được tín nhiệm, nhờ đó hoạt động liên tục suốt mấy năm qua”.
“Cơm cháo lá dứa Thân Thiện phục vụ bà con suốt năm, ngày tết cũng không nghỉ vì ngày đó các quán cơm gần bệnh viện đã đóng cửa nghỉ ngơi, bệnh nhân đi nuôi bệnh rất khó tìm chỗ ăn uống”, bà The nói.
tin liên quan
Nơi độc nhất ở Sài Gòn dĩa cơm 2.000 đồng: Tình thương tạo nên nụ cườiĐối với những người nghèo, thu nhập thấp tại TP.HCM, hàng loạt quán cơm từ thiện bán với giá 1.000 - 2.000 đồng đã ngày càng trở nên quen thuộc. Họ không còn lo đói khi chắc chắn tới bữa sẽ có được bữa ăn không chỉ đầy đủ mà còn rất ngon.
Dù là cơm, cháo từ thiện nhưng quán nào ở TP.Long Xuyên cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nguồn thực phẩm đến khâu chế biến đều được những người có tấm lòng thiện nguyện quan tâm kỹ lưỡng, xem việc phục vụ người nghèo, học sinh, sinh viên như phục vụ chính mình.
Người có tiền bỏ tiền ra giúp đỡ, người có tâm mở quán cơm cháo, người không có tiền thì lấy sức giúp nhau. Như bà Nguyễn Thị Út (70 tuổi, H.Tháp Mười, Đồng Tháp) theo con gái đến quán cơm Phước Thiện phụ giúp lặt rau, rửa rau quả cho sạch sẽ. Còn ông Nguyễn Văn Kết (65 tuổi, ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) ngày nào cũng đẩy xe tay đến các điểm phát cơm cháo từ thiện nhận cơm để đưa đến Bệnh viện Tim mạch An Giang phát cho người nghèo, người nuôi bệnh. Bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào ông cũng làm việc này và xem đó là niềm vui tuổi già.
“Ông già cái bang”
Một buổi trưa, chúng tôi đến Trung tâm dịch vụ ký túc xá Trường ĐH An Giang, nghe tiếng hô lớn của ông Võ Minh Thành (70 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên): “Mấy đứa ơi, có cơm trưa rồi, xuống lấy ăn”. Các bạn sinh viên (SV) đáp lại: “Dạ, tụi con xuống liền nội ơi”. Nhìn các SV nhao nhao múc cơm, canh, ông Thành cười tươi rói, cầm bọc khoai, bọc chanh dây khoe: “Hôm nay ông xin được khoai lang luộc cho mấy con, còn chanh dây quậy nước uống ngon lắm”. Các SV lại nhao nhao: “Cám ơn ông nội”.
Ông Thành chẳng bà con gì với SV, nhưng suốt 4 năm nay, ngày nào ông cũng mang cơm đến nên các SV cảm mến và gọi ông bằng ông nội, ông ngoại. Còn ông tự cho mình là “ông già cái bang” bởi đi đâu cũng xin cơm, xin cháo, trái cây cho đám cháu SV. Mỗi lần đến phát cơm cho SV, ông thường động viên: “Mấy đứa ăn nhiều nhiều vô cho có sức học tập. Ông còn khỏe ngày nào thì ngày đó ông vẫn đem cơm đến cho các con”. Ông tâm sự, ngày nào ông cũng đi đến quán cơm cháo từ thiện Dân Lập hoặc cơm cháo lá dứa Thân Thiện lấy về đây phát cho SV. Ông đi phát cơm suốt, chỉ nghỉ khi nào SV nghỉ lễ tết về quê hết. Ông bông đùa: “Nghĩ cũng lạ nghen, nhờ lo cho đám cháu này mà tui ít đau ốm dù đã cao tuổi”.
|
tin liên quan
Những nông dân xây cầu từ thiệnNhững nông dân chân chất, mộc mạc, vì thương quý đồng bào mình nên chỉ trong 3 năm đã dồn tâm sức, tiền bạc, vận động những người khác xây dựng 47 cây cầu bê tông thay thế cầu khỉ.
Bình luận (0)