Ông Võ Đông ở An Giáo, thôn Bình Khương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
|
Trong những năm kháng chiến, ông Võ Đông sớm giác ngộ cách mạng, đi theo Đảng để báo quốc. Cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Đông hoạt động bí mật, đảm trách nhiệm vụ giao bưu tại vùng Đông Thăng Bình và sau này được giao nhiệm vụ làm Trạm trưởng.
Nhà ở của ông là cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ và bản thân ông còn trực tiếp đánh giặc, khiến quân thù nhiều cơn khiếp vía và bị tổn thất nặng nề. Gia đình ông Đông tự bỏ tiền mua gạch đá, xi măng và đập một căn nhà kiên cố của mình nhằm lấy thêm vật liệu để xây dựng bảy căn hầm bí mật ngay trong nhà và các khu vực lân cận tại khu làng An Giáo làm nơi nuôi giấu cán bộ, in ấn tài liệu, truyền đơn phục vụ kháng chiến…
|
Vào những thời điểm ác liệt nhất, những căn hầm bí mật này đều nuôi giấu từ 3 đến 5 cán bộ cấp cao, có lúc nuôi giấu cả trung đội.
Nhiều người như: Võ Chí Công, Hoàng Minh Thắng, Trần Văn Trai, Nguyễn Đức Bốn, Trần Anh Vũ, Võ Văn Thạc, Trần Nhơn, Hồ Trượng, Hồ Xuân Quang… đều có thời gian khá dài trú ẩn tại đây và được che chở an toàn.
Ông Đông còn tổ chức và chỉ huy một đội ghe thuyền gồm 5 chiếc trên sông Trường Giang để đưa đón cán bộ ra vào Bình Giang với các vùng lân cận để hoạt động và chiến đấu. Ông rất linh hoạt ngụy trang trong quá trình sản xuất và đánh cá để chèo thuyền chuyên chở cán bộ, vũ khí, tài liệu, truyền tải và nhận thông tin phục vụ kháng chiến. Nhiều lần gặp tình huống nguy cấp, ông Đông đã liều mình để bảo vệ cán bộ và phải gánh chịu sự tra tấn dã man của địch.
Năm 1962, do bị chỉ điểm nghi là cơ sở cách mạng bí mật, nhà ông Đông bị địch lùng sục. Để khai thác thông tin, bọn ngụy đã bắt ông nhiều lần tra tấn tàn bạo, đốt hai ống chân, đốt lỗ rốn, chích điện, dùng dùi cui đập nát hai bàn tay, đổ xà phòng vào bụng rồi dùng chân đạp vào bụng… làm ông nhiều lần chết đi sống lại. Nhưng ông vẫn một mực không khai và cuối cùng bọn chúng phải khuất phục và thả ông.
Ngày 22.8.1968, quân Mỹ mở trận đánh lớn vào vùng Đông Thăng Bình. Chúng bất ngờ ập vào nhà ông Đông trong lúc đang có hàng chục cán bộ đang họp khẩn với nhiều tài liệu mật quan trọng. Ông Đông buộc phải xua chó ra đuổi, gây náo loạn và dùng cây đánh mạnh vào chân của tên lính Mỹ đi đầu nhằm cản trở bọn chúng để các cán bộ của ta có thời gian cất giấu tài liệu và rút vào hầm bí mật trú ẩn an toàn.
Cú đánh của ông Đông khiến tên Mỹ nằm vật xuống, kêu la ầm ĩ và ông bị đồng bọn của chúng bắt, bẻ tréo hai tay ra phái sau, trói lại. Chúng còn bắt luôn người con trai út của ông là Võ Được (lúc đó đang đảm trách chức vụ Trưởng ban binh vận xã Bình Giang) đưa về căn cứ Núi Quế tại Hương An để tra tấn.
Bà Bùi Thị Lầm, ngoài 70 tuổi (vợ của liệt sĩ Võ Huy Cận, một người cán bộ cách mạng cùng dòng tộc Võ ở làng An Giáo) vẫn còn nhớ như in cảnh tượng tàn ác của địch lúc giết chết cha con ông Đông.
Sau khi họ bị bắt, trong suốt ba ngày (từ ngày 22 đến 24.8.1968), chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn man rợ, hiểm độc để khai thác thông tin. Nhưng hai cha con rất kiên định lập trường, cương quyết không khai mà còn lăng mạ, chửi thẳng vào mặt những tên tra tấn, gặng hỏi.
Trưa ngày 24.8, bọn chúng đập nát toàn bộ xương ống tay của cả hai người, kéo lê đi khắp xã Bình Nguyên để thị uy răn đe dân chúng, rồi tử hình hai cha con ông Đông.
Gia đình có hai người Anh hùng Nối nghiệp báo quốc của cha, tất cả 6 người con trai của anh hùng liệt sĩ Võ Đông cũng đều hoạt động bí mật hoặc vào bộ đội đánh Mỹ. Trong đó, 3 người con là Võ Đình (Huyện ủy viên, giữ chức vụ Trưởng Ban an ninh, kiêm Huyện đội trưởng Huyện đội Thăng Bình trong giai đoạn trước năm 1972) và Võ Hà, Võ Được (Trưởng ban binh vận xã Bình Giang - năm 1968) đã hy sinh anh dũng. Hai người con là Võ Tá và Võ Tại được tổ chức bí mật đưa ra miền Bắc học tập, xây dựng căn cứ hậu phương thì còn sống trở về khi kết thúc chiến tranh. Còn ông Võ Tính là cán bộ nằm vùng bị địch bắt tra tấn quá tàn bạo phải lâm trọng bệnh và chết. Kế thừa truyền thống gia đình, Võ Thanh Hải là cháu nội của anh hùng liệt sĩ Võ Đông (con ông Võ Hà) cũng đã hy sinh. Sau những hy sinh, mất mát liên tiếp của chồng và các con, giữa năm 1972, bà Lê Thị Điền (vợ anh hùng liệt sĩ Võ Đông) đã suy sụp tinh thần, lâm trọng bệnh và mất. Bà Điền đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. |
Diễm Thúy
>> Tuần phim kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
>> Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7)
>> Tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ
>> Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân Ngày thương binh - liệt sĩ
Bình luận (0)