Công an Đà Nẵng vừa khởi tố, bắt 2 bị can Trần Thu Hà (41 tuổi) và Lê Trọng Phương (31 tuổi, cùng ngụ Đà Nẵng) tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Đây là hai chủ nợ của nữ đại gia Đào Thị Như Lệ (41 tuổi, ngụ Đà Nẵng), trong đó Hà cho vay 10 tỉ đồng, lãi 1%/ngày, lấy lãi 1,2 tỉ đồng; Phương cho vay 2 tỉ đồng, lãi 0,3%/ngày, trục lợi 1 tỉ đồng.
Lệ từng được giới làm ăn ở Đà Nẵng xếp vào số nhân vật có máu mặt, “đại gia” trong “câu lạc bộ ngàn tỉ đồng”. Việc nữ đại gia sa cơ, trở thành miếng mồi ngon của giới cho vay nặng lãi, Công an Đà Nẵng đang tiếp tục truy xét thêm nhiều chủ nợ (ngoài 2 bị can Hà, Phương).
Điều này cho thấy, tín dụng đen không chừa một ai. Không chỉ người yếu thế cần tiền, bị giang hồ tạt sơn, chất bẩn để “khủng bố” đòi nợ, mà người giàu cũng khóc. Từng có “số má” như Lệ cũng bị lãi cắt cổ, nếu không kịp trả thì lãi cộng dồn vào gốc và tiếp tục tính lãi.
Cho vay nặng lãi là mầm mống của nhiều loại tội phạm khác. Cũng vì tín dụng đen, Đào Thị Như Lệ đã nhờ Dương Thị Ngọc Anh (41 tuổi, chuyên viên Văn phòng đăng ký đất đai Q.Sơn Trà) tuồn 22 sổ đỏ của công dân đưa Lệ thế chấp, vay nóng trả nợ xoay vòng. Lệ, Anh bị tạm giam tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thi hành công vụ, Lệ còn bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là minh chứng rõ ràng nhất.
Đành rằng một số hạn chế của thủ tục vay ngân hàng chưa thể thay thế được cho vay dân sự, nhưng trước các hoạt động cho vay ngoài xã hội ngày càng biến tướng, người vay cần tránh xa miếng phô mai trên bẫy chuột - tưởng được miếng ngon nhưng trở thành miếng mồi.
Vay nóng, tín dụng đen chưa chắc giải quyết được khó khăn trong khi có nguy cơ sa vào những rủi ro nghiêm trọng hơn vấn đề đang mắc phải. Còn đối với chủ nợ nêu trên, trong những game tài chính, “high risk, high return” (lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao) vẫn luôn là bài học đắt giá.
Bình luận (0)