Người gieo trồng cảm xúc

20/11/2022 06:48 GMT+7

Người thầy hiện nay phải là tấm gương cho việc học tập suốt đời, cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn, sư phạm, công nghệ số hỗ trợ cho giảng dạy; có khát vọng và nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành giáo viên toàn cầu.

Nhiều thầy cô của chúng ta đã đạt được danh hiệu, chứng nhận giáo viên toàn cầu cấp tiểu học, trung học của Education Microsoft và một số tổ chức giáo dục quốc tế.

Không chỉ vậy, người thầy trong thời đại công nghệ hiện nay và sắp tới cũng càng cần phải rèn luyện, trau dồi và gieo trồng những cảm xúc tích cực, phát triển trí tuệ cảm xúc cho học sinh dựa trên những đức tính cơ bản, quan trọng nhất của con người ở mọi thời đại:

Trung thực là phẩm chất đạo đức, nhân cách luôn được đề cao hàng đầu trong lịch sử phát triển xã hội.

Tự tin là thành tố tạo nghị lực, động lực để lạc quan, vượt khó... hình thành dần bản lĩnh tự chủ, tự lập…

Lòng biết ơn là thành tố cốt lõi nhất tạo nên phẩm chất tốt đẹp của con người. Cách đây hơn 2.000 năm, nhà triết học La Mã Marcus Cicero đã nhấn mạnh: “Lòng biết ơn là đức tính vĩ đại nhất và cũng là khởi đầu nhiều đức tính tốt đẹp khác của con người”. Người có lòng biết ơn sẽ khoan hòa, nhân hậu, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội... Có thể nói gia đình, cộng đồng, thế giới xung đột và dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên… cũng phần lớn là do sự vô ơn, vô cảm của con người với nhau, với tự nhiên!

Có thể công nghệ trí tuệ nhân tạo đã và đang hình thành những phiên bản người thầy ảo và các giáo sư (GS) robot hết sức uyên bác và thông thái, tăng cường thêm nguồn lực giảng dạy tri thức chất lượng cao trong kỷ nguyên mới. Ở Nhật Bản, từ đầu năm 2019, các robot thông minh đã tham gia giảng dạy tại 500 lớp học tiếng Anh. Tại Phần Lan, từ năm 2018 cũng đưa vào GS Robot Elias có khả năng hiểu và nói thành thạo 23 ngôn ngữ. Ở Mỹ cũng đang thử nghiệm một số phiên bản GS robot dạy các môn khoa học tự nhiên với diện mạo phỏng theo chân dung của nhà bác học Einstein…

Không ít người lo ngại về một cuộc cạnh tranh giữa nhà giáo và robot dạy học trong tương lai. Trên thực tế, robot dạy học với các phiên bản đang được tăng cường khả năng biểu cảm có thể sẽ thay thế các giáo viên thụ động, không chịu phấn đấu rèn luyện các năng lực như đã nêu trên. Khi người thầy làm được những điều công nghệ chưa và không thể làm được - làm việc bằng trái tim để giáo dục học sinh - tạo nên những thế hệ trẻ không chỉ có IQ, thông minh mà còn có trí tuệ cảm xúc, biết ơn, biết yêu thương và sống có trách nhiệm với cuộc đời này, thế giới này thì robot không bao giờ thay thế được!

Từ Academy Athens - ngôi trường đầu tiên trên thế giới đến nay đã có nhiều mô hình về trường học trong kỷ nguyên mới: Trường học 4.0, Trường học số, Trường học thông minh... nhưng quan trọng hơn mọi nền tảng công nghệ chính là mục tiêu, đích đến của sự học cùng với những người học và những người thầy mới là linh hồn, tạo nên sức sống của ngôi trường. Trong kỷ nguyên sáng tạo, trường học sẽ là trường học mang tính toàn cầu - nơi giao thoa, bùng nổ sáng tạo của thầy và trò, cùng đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội sáng tạo trong thời đại khai sáng mới của nhân loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.