Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 2: Gánh xí mà qua 2 thế kỷ

01/01/2015 03:23 GMT+7

Người dân phố cổ Hội An và du khách hẳn sẽ khó quên hình ảnh một người đàn ông trên vai đòn gánh nhẵn thín, hai thùng nhôm hai đầu đã xỉn màu ngày ngày qua từng con phố, từng hẻm nhỏ. Ông đi bán xí mà, không một tiếng rao.

Người dân phố cổ Hội An và du khách hẳn sẽ khó quên hình ảnh một người đàn ông trên vai đòn gánh nhẵn thín, hai thùng nhôm hai đầu đã xỉn màu ngày ngày qua từng con phố, từng hẻm nhỏ. Ông đi bán xí mà, không một tiếng rao.
 
Cụ Ngô Thiểu bên gánh xí mà khi còn khỏe
Cụ Ngô Thiểu bên gánh xí mà khi còn khỏe - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu gia đình
Bát xí mà ngon nhất phố cổ
Người ta nể ông bởi ông kiên trì theo nghề tưởng chỉ dành riêng cho phụ nữ suốt 60 năm qua, phục ông vì sức lao động bền bỉ, và quý mến, nhớ đến ông vì bát xí mà của ông được khách ẩm thực khen ngon nhất phố cổ.
Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Hội An vẫn nguyên vẹn bóng dáng gầy gò của ông Ngô Thiểu (94 tuổi) quẩy gánh chậm rãi, với tiếng bước chân nghe thân thương đến lạ. Nhiều người giờ đã thành ông thành bà, từng ăn bát xí mà do chính tay ông nấu và nay những đứa cháu của họ vẫn tiếp tục ham mê món quà vặt ấy. Ông chính thức “nghỉ hưu” cách đây 2 năm. Gánh xí mà giờ đây được ông đặt trang trọng trong tủ kính cũng ngấp nghé cái tuổi “60 năm cuộc đời”. Người cũ, nghề cũ như phố cổ, trầm mặc mấy trăm năm qua.
Khi còn khỏe, mỗi ngày ông Thiểu dậy từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị nồi xí mà đem bán. Ông cẩn thận nghiền từng chút mè đen, xay, giã nhuyễn để lấy nước cốt từ các loại lá rau má, bồ ngót, lá mơ... Ông đem ninh nhừ mè đen với bột khoai, nước cốt cùng đường bát ngọt thanh. Nồi xí mà bốc khói nghi ngút, thơm nức. Ông nếm thử lần nữa rồi cho tiếp một thứ thuốc bắc là bí quyết gia truyền vào nồi. Ông lấy đôi gióng, một đầu đặt nồi xí mà, một đầu đặt thêm bát, bình nước chè rồi ra khỏi nhà, đến chợ rất sớm. Trên đôi gánh toòng teng, ông Thiểu thong dong quẩy bước qua các con phố. Đi lặng lẽ chỉ nghe tiếng dép nhưng ai cũng biết: cứ 6 giờ sáng ông sẽ đi ngang qua con phố này, đến 8 giờ ông sẽ đến phố kia. Và phải ra đúng thời điểm vì chỉ sau 11 giờ, nồi xí mà đã hết sạch. Người phố cổ cũng quen nhịp sống đó. Có lúc ông chưa kịp tới, họ đứng chờ để mua làm quà cho con.
Và mấy chục năm qua ông lấy xí mà làm “cần câu cơm” nuôi sống gia đình. Hồi trước, một bát cỡ bằng nắm tay đúng y 1.000 đồng. Mỗi ngày một nồi, hết sớm thì về sớm. Đến lúc sức khỏe yếu dần, ông không bán dạo nữa mà lui về vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ. Sau này, nhiều người dân phố cổ biết ông ngồi ở góc đường, họ vẫn tìm đến để mua. Khi ông không tìm đến khách, món xí mà đã đưa khách tìm đến ông, cũng là cái “thương hiệu”, cái tình khó cắt nghĩa.
Nối nghiệp vì Hội An
Căn nhà của gia đình ông Thiểu nằm đối diện với giếng cổ Bá Lễ ngàn năm. Tiếp tôi, bà Ngô Thị Thị (54 tuổi, con gái thứ hai của ông) cho biết bà được cha truyền nghề và hiện vẫn lấy nước giếng Bá Lễ để nấu xí mà cho khách. “Cha tui một đời lam lũ, gánh xí mà đi khắp Hội An để bán cho người ta. Nhờ gánh xí mà mà cha đã nuôi ba đứa con khôn lớn thành đạt. Tui vốn là giáo viên và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nối nghề cha. Thế mà tui lại gánh nồi xí mà ra đường vì thương một đời ông tâm huyết với nghề, với Hội An”, bà Thị trải lòng. Nghề bán xí mà đến với bà Thị năm bà 52 tuổi. Năm đó, vì sức đã yếu nên ông Thiểu nghỉ hẳn ở nhà dưỡng lão. Đã có lúc ông lo lắng nghề thất truyền, bồn chồn vì vỉa hè sẽ vắng bóng đôi gánh xí quanh quẩn phố cổ suốt 60 năm qua. Biết con gái nối nghiệp cha, ông Thiểu mừng ra mặt.
Bà Thị bảo, hiện một bát xí mà giá 6.000 đồng nên bà vào nghề không phải và không để làm giàu từ nghề này. Vả lại lương hưu của bà cũng đủ để sống nhàn nhã. Nhưng bà vẫn quyết tâm theo nghề dù vất vả, cố gắng dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng, bán đến trưa. Hơn hết, mùi hương xí mà thuở bé đã đánh thức đam mê nghề, khiến bà tiếp đôi gánh của cha ra phố. “Gánh xí mà của cha tui giờ không chỉ của gia đình, của Hội An mà còn được thế giới biết đến. Đến Hội An, nhiều người vẫn tìm đến gánh xí mà chỉ để một lần thưởng thức. Hình ảnh gánh xí mà của cha tui cũng góp sức đưa Hội An ra thế giới. Có nghĩ như thế nên tui không đành bỏ nghề, bởi bỏ nghề thì một phần văn hóa Hội An bị mất đi”, bà Thị nói.
Bây giờ, thỉnh thoảng có đoàn làm phim tìm về tận nhà để hỏi ông Thiểu cách làm xí mà ngày xưa. Bà Thị không giấu được niềm tự hào khi kể rằng có rất nhiều đoàn phim quốc tế đến tìm gặp cha bà. Nhiều người tìm về phố xưa, không thấy bóng “ông xí mà” đâu nữa, họ thẫn thờ. Họ hỏi, bà Thị đáp: “Tui là con gái của ông ấy”. Cả khách cả chủ xúc động như gặp lại người cũ. Hồn phố vẫn còn...
Nhiều tài liệu chép rằng xí mà là món chè mè đen du nhập vào Hội An cách đây cả trăm năm trước theo dấu chân của những người Hoa, gốc Phúc Kiến. Cũng chính vì lý do này mà ngày nay, người phố Hội vẫn gọi xí mà là “chí mà phủ” theo cách gọi của người Hoa. Ông Thiểu họ Ngô cũng có gốc gác người Hoa vào Hội An sinh sống đã lâu. Khi nói chuyện với chúng tôi, mặc dù trí nhớ không còn tốt nhưng ông Thiểu vẫn nhắc “đừng quên gọi tên là chí mà phủ”. Đây là món ăn mà thuở còn trẻ, ông Thiểu đã học được từ một gia đình người Hoa nơi ông giúp việc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.