Ông Ngộ viết từng nét chữ - Ảnh: Nguyên Mi
|
Giữ ký ức thư tay
“Ngày xưa, người ta giữ liên lạc, thăm hỏi nhau qua lại bằng thư tay. Giờ thì có điện thoại, internet, nhiều cách liên lạc quá nên hầu như chẳng còn ai gửi thư tay nữa”, ông Ngộ trầm ngâm.
Thế nên, giờ hầu như khách nhờ ông dịch thư đã không còn. “Chỉ có khách du lịch nước ngoài đến đây nhờ tôi dịch, viết vài câu tiếng Việt lên bưu thiếp để họ gửi tặng bạn bè, người thân ở nhà hay cho chính họ”, ông Ngộ tâm sự.
Ông viết bưu thiếp bằng tiếng Việt cho một du khách gửi về nhà làm kỷ niệm - Ảnh: Nguyên Mi
|
Trên góc bàn của ông là những cuốn từ điển (Pháp – Việt, Anh – Việt), sách địa chí, một vài tài liệu. Tất cả cũng đều đã cũ mèm như chính người chủ của chúng. Dường như đồ dùng của ông đều có tuổi đời xấp xỉ 20-30 năm.
Đặc biệt, có cả một chiếc kính lúp để giúp ông đọc – viết, thay vì kính lão. Chiếc kính lúp này do một người nước ngoài thích thú với công việc của ông nên tặng. Ông Ngộ lại lục trong túi quần của mình một chiếc kính lúp khác – cũng do một người nước ngoài tặng. “Cái này nhỏ hơn nhưng tiện hơn ở chỗ có thể gấp lại được, bỏ túi được”, ông mân mê.
Ông có 6 người con, cũng đã có cả cháu nội, ngoại và cháu cố. Các con đều có nghề nghiệp, thu nhập, cuộc sống ổn định, hầu như làm giáo viên và “tụi nó dư sức nuôi tôi”. “Hồi đầu tụi nó cũng nói tôi ở nhà, tụi nó lo. Nhưng tôi không chịu. Gắn bó với bưu điện này là cuộc sống của tôi. Tôi cũng muốn giữ thói quen viết thư tay, giúp mọi người nhớ đến những lá thư tay. Hiểu tôi nên tụi nó để tôi đi làm” – người dịch thư thuê cuối cùng ở Bưu điện Thành phố chia sẻ.
Những đồ dùng cũ kỹ của ông lão dịch thư thuê - Ảnh: Nguyên Mi
|
“Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, 12 giờ tôi nghỉ nửa tiếng đi ăn trưa. Tôi ăn trưa ở các quán bình dân loanh quanh đây. Thứ 7, chủ nhật tôi nghỉ”, ông Ngộ nói. Đó là lịch làm việc cụ thể của người dịch thư thuê ở Bưu điện Thành phố.
Ngày ngày ông vẫn ngồi suốt trên chiếc ghế gỗ, ngay đúng góc bàn để dịch thư thuê. Cũng không hề có chỗ ngả lưng. Riêng hôm nay, 12 giờ trưa ông đã về, phải “điện cho con gái đến rước” vì “mệt quá!”, giọng nói ông nói rất nhỏ và nhẹ.
Người đàn ông 86 tuổi lom khom xếp gọn đồ đạc, từng bước rời Bưu điện Thành phố. Dáng ông mờ đi trong ánh nắng chói chang chiếu vào ở cửa bưu điện. Một “ngôi sao sáng”, con người biểu tượng gắn bó với Bưu điện Thành phố ngót nghét đã 76 năm rồi – mong mỗi ngày, theo lịch làm việc, đến Bưu điện lại vẫn được thấy ông.
Bình luận (0)