Làm phim từ tâm
Những ai có mặt trong liveshow Tri âm (tại Sân vận động Phú Thọ, TP.HCM hay Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội) hẳn đã cảm nhận rõ và hiểu vì sao "Mỹ Tâm mãi đỉnh" - giữ được sức nóng của tên mình bền lâu như vậy. Trong các liveshow hay khi ra mắt phim (hôm 6.4), cô thường nói: "Nếu không có các bạn thì không có Mỹ Tâm", nhưng cô cũng rất thẳng thắn khi tiếp nối sự tri ân đối với tri âm của mình rằng "Nếu Tâm làm không có tâm thì đã không có mọi người ở đây".
Không ít nhạc sĩ/đạo diễn/biên tập âm nhạc/biên đạo - những cộng sự đồng hành cùng cô thừa nhận Mỹ Tâm là ca sĩ cực kỳ "khó tính". Nhưng xem phim, sẽ hiểu sự "khó tính" ấy hoàn toàn hợp lý từ ngôi sao luôn giữ "cái đầu lạnh" và "trái tim nóng", không chỉ trên sân khấu mà trong từng chi tiết nhỏ xung quanh công việc của mình (dặn bảo vệ "nhớ giùm Tâm, xem khán giả là người nhà của Tâm, không được đẩy khán giả", đo từng giây khi thử trang phục để không có bất kỳ khoảng trống nào…), sao cho mọi thứ đạt đến điều kiện tốt nhất có thể. Bởi như cô nói, nếu có sơ suất nào, người ta sẽ chỉ biết đó là Mỹ Tâm. Vậy nên, phim cũng cho người xem biết nhiều hơn về một đạo diễn Mỹ Tâm nhạy bén và nhìn xa, "không thích nói 2 lời", giao việc cho đúng người và không để mọi người can thiệp vào chuyên môn của nhau.
Nhưng nếu chỉ vậy thì làm việc với Mỹ Tâm… áp lực quá! Trong Người giữ thời gian, "họa mi" cũng có những lúc "long lanh chào ngày mới" giữa khu vườn nhà thanh mát hay dịu dàng từng đường kim mũi chỉ bên khung thêu tay, "họa mi" với "những tiếng cười" bông đùa đúng lúc cùng với sự tinh tế vừa đủ để hóa giải bất đồng khi ê kíp "xung trận" hay động viên anh em lúc họ xuống tinh thần dù chính bản thân cô thời điểm đó cũng "…chơ vơ lúc đêm về" như lời hát, cũng "đuối" và "muốn gục ngã" như cô thổ lộ trong phim…
Ở Người giữ thời gian, hơn một lần Mỹ Tâm quỳ xuống trước khán giả và cộng sự của mình để "cảm ơn". Cô nhiều lần cảm ơn trời đất, cảm ơn tổ nghề, cảm ơn tất cả để mọi chuyện diễn ra êm đẹp, từ thời tiết (trước show ở TP.HCM trời mưa liên tục) đến sức khỏe của mình (trước show ở Hà Nội cô bị bệnh) lẫn mọi người. Mỹ Tâm tự nhận mình may mắn vì trời hôm đó không mưa, và trăng bỗng nhiên khá tròn khi mới ngày 12 âm lịch khiến bài hát Ước gì như long lanh hơn. Và cô cũng cảm ơn khi mình nhận được sự may mắn, vì trong những năm chuẩn bị phim, quá nhiều thứ xảy đến nên cô có thời gian làm mọi việc và cuối cùng được kể câu chuyện này với mọi người.
Mỹ Tâm nói đây là một bộ phim kể bằng những hình ảnh chân thực, được quay lại trong suốt quá trình cô thực hiện Tri âm - một liveshow cá nhân thành công nhất trong sự nghiệp. Cô hát Hào quang kết thúc show diễn, thật rực rỡ, trong sự tán thưởng của hàng chục ngàn khán giả tại sân khấu lúc bấy giờ lẫn hôm nay - tại rạp phim. Trong lấp lánh hào quang ấy, không thiếu những giọt nước mắt từ Tâm, nhưng trên phim, đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, trong vòng tay của tri âm.
Minh chứng phim tài liệu về nghề vẫn hấp dẫn
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, phim âm nhạc hay phim tài liệu âm nhạc thế giới đã làm từ lâu và rất nhiều rồi, nay chúng ta mới bắt đầu và đang phát triển. Hiện trên Netflix cũng đang phát những phim tài liệu, phim ca nhạc của Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu hay Blackpink, Taylor Switft…
Với dạng phim này, có nhiều lựa chọn thể hiện để bộc lộ rõ hơn tính cách nhân vật chính bởi bên trong mỗi nghệ sĩ tên tuổi là những cái tôi cá nhân đầy bí ẩn. Có thể là góc khuất hay vấn đề còn tranh cãi nào đó về bản thân, hoặc đặt nhân vật vào tình thế đối kháng với báo chí (chẳng hạn Bob Dylan: Don't look back), qua những cuộc phỏng vấn bạn thân/người thân của họ (Bob Marley: Marley, Kurt Cobain: Montage of Heck) hay tô hồng hình ảnh một ngôi sao ăn khách (như Katy Perry: Part of me), và có khi là tự thuật về cuộc đời âm nhạc…
"Làm phim tài liệu âm nhạc được xem như sự tận thu của một dự án - kết thúc những show ca nhạc thành công trước đó. Đây cũng là chuyện bình thường. Nhưng với cách làm của Mỹ Tâm, đứng riêng lẻ đó vẫn là một phim có giá trị, nhiều giá trị nữa là khác: về mặt con người (hiểu thêm nhân vật), về mặt nghề nghiệp và tạo cảm hứng cho người làm nghề, nhất là người chuẩn bị vào nghề, để họ ý thức hơn trong việc lưu trữ tư liệu cho sự nghiệp của mình. Bản thân tôi xem cũng tự soi xét lại mình, trong cuộc sống, trong đối xử với cộng sự, khán giả của mình…", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói và chia sẻ thêm: "Điều thú vị trong phim này còn là, tuy chỉ nói chuyện về nghề nhưng cũng có nhiều kịch tính, nhiều cảm xúc và hấp dẫn. Người giữ thời gian là phim thư viện các trường có ngành văn hóa nghệ thuật nên có".
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cho rằng: "Người giữ thời gian thoát khỏi "lời nguyền tự thuật" của một số phim âm nhạc trước đây - cho nhân vật chính nói quá nhiều về mình". Anh nói không ai nhớ hết Mỹ Tâm đã làm bao nhiêu điều kỳ diệu trong hành trình âm nhạc 20 năm, chỉ biết những điều đó còn mãi và dường như mỗi ngày lớn lên thêm… 4 chữ "người giữ thời gian" là bao hàm tất cả". Là phim tài liệu, nhưng như anh nói lại rất Mỹ Tâm khi cô đã dẫn dắt mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với phong cách "khùng tự nhiên" của mình được chọn làm mạch dẫn toàn bộ câu chuyện, làm cho những chấn thương và cả những "sang chấn tâm lý" trong cuộc đời và sự nghiệp của Mỹ Tâm được mọi người cảm nhận nó rất nhẹ nhàng chân ái làm sao…".
Bình luận (0)