Những kiểu ăn, lối uống xa xỉ do người Hoa đưa đến xuất hiện trong một số ít tiệm ăn lớn ở Hà Nội như tiệm Lục Quốc dưới Phố Huế hay Đông Hưng Viên, Mỹ Kinh trên Hàng Buồm... Tôi mới chỉ một lần trong đời theo chân người lớn vào ăn cơm Tàu trên tầng hai của tiệm Lục Quốc ở xế cửa chợ Hôm. Ngôi nhà 96A Phố Huế này, về sau, trở thành khu tập thể của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mấy thế hệ gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ... Ăn uống xa xỉ không phù hợp với thời bấy giờ. Lúc ấy cũng chẳng ai có tiền mà đi ăn tiệm. Vì thế, nhà hàng này đã đóng cửa. Ông quản lý kiêm đầu bếp thì chuyển sang làm việc trong công ty ăn uống.
Trước khi vào tiệc, mọi người uống trà Tàu. Trong bữa tiệc bàn tròn, người lớn uống rượu nghe nói là Mai Quế Lộ có mùi thơm là lạ. Thứ rượu này đựng trong chai sứ và mở ra thì rót vừa đủ mười hai chén. Bố tôi không biết uống rượu, chỉ nâng chén nhấp chút gọi là cho phải phép, còn trẻ con thì chỉ ngồi nhìn, mà cũng chẳng có đồ uống riêng cho trẻ nhỏ. Sau này tôi mới biết là ngày xưa ở Hà Nội, khi đi ăn cơm Tàu thì người ta chỉ uống rượu Tàu chứ không bao giờ uống rượu Tây cả.
Thời đó, bên cạnh những cao lâu tửu điếm phục vụ những món xa xỉ, những thức ăn, đồ uống do người Hoa làm ra được bán khắp nơi trên đường phố Hà Nội, từ phố lớn đến ngõ nhỏ. Người bán hàng thường đẩy xe hoặc gánh những gánh hàng nhỏ, hai bên là những chiếc thùng gỗ, tủ con đựng bát đũa thìa và đồ ăn thức uống chứ không phải các thúng xôi chè, bánh cuốn được gánh hoặc đội trên đầu như lối bán rong của bà con người Việt ở ngoại thành vào bán trong phố.
Bát bảo lường xà
Bát bảo lường xà là một thức uống đặc biệt của người Hoa, xưa bán rất nhiều ở Hà Nội. Người bán bát bảo lường xà thường đẩy chiếc xe gỗ nhỏ bốn bánh, quanh thùng xe là những dãy cốc xếp ngay ngắn trong những lỗ tròn và một thùng trà nóng. Cũng có hàng bán trên phố, người ta múc ra bát cho khách uống. Kiểu uống bát này có vẻ “Trung Hoa” hơn. Chẳng hiểu những vị thảo mộc quý đó là những gì nhưng nghe nói toàn là những vị thuốc bổ từ phương Bắc cả. Hồi còn trẻ con đi học, tò mò, tôi cũng mua mấy hào uống thử. Quả là với tôi, vị thức uống này nó lạ lẫm quá, y như thuốc Bắc vậy.
Bát bảo lường xà bây giờ hầu như không thấy bán ở Hà Nội. Chẳng biết có phải do không có khách hàng hay do mấy cụ biết pha chế loại nước uống này đi cả rồi, vì thế bát bảo lường xà cũng vắng bóng luôn từ đó.
Rượu thuốc, rượu Tàu
Uống rượu thuốc ở Hà Nội là một lối uống có lẽ cũng có nhiều ảnh hưởng của lối uống Trung Quốc. Ở nhà quê, các cụ cũng ngâm rượu thuốc, nhưng các vị thuốc thường là củ cây trong vườn nhà và một vài thứ thảo dược để trị bệnh. Trước đây, ở Hà Nội, có nhiều gia đình tự mua thuốc Bắc về và ngâm bình rượu thuốc uống dần. Rượu thuốc được coi như một thứ thuốc để dưỡng sức, tẩm bổ, thường được các cụ cao niên dùng. Sau năm 1975, một số quán rượu thuốc theo kiểu quán rượu thuốc của người Hoa từ Sài Gòn được phổ cập ra Hà Nội.
Ở Hà Nội, có những tiệm rượu thuốc chuyên bán các loại rượu thuốc cho tửu khách. Tôi không phải là dân sành rượu nhưng cũng đã có lần được mời đến thưởng rượu tại một quán nhỏ luôn đông khách nằm trong khu phố cổ. Ở đây, rượu ngâm thuốc là rượu ngang nấu từ gạo nếp. Rượu thì trăm phần trăm là rượu Việt Nam còn các vị thuốc đa phần là thuốc Bắc. Người ta còn ngâm rượu với đủ loại động vật: rắn, tắc kè, bìm bịp, mật trăn, mật gấu... và đồ nhắm ở đây thì đặc biệt nhất là món ngẩu pín.
Bán tào phớ trên đường phố Hà Nội |
NGỌC THẮNG |
Sữa đậu nành
Đậu nành và sữa đậu nành là một sản phẩm 100% của văn hóa uống Trung Quốc. Trong khi sữa bò đối với người Hà Nội xưa là một thức uống phương Tây tương đối xa xỉ và đắt tiền thì sữa đậu nành lại là một thức uống bình dân, giản dị.
Trước đây, sữa đậu nành vẫn có bán ở Hà Nội nhưng không phổ biến như ngày nay. Người ta uống sữa đậu nành nóng với bánh bao cũng luôn được hấp nóng ở phố Hồ Hoàn Kiếm, một trong những phố ngắn nhất Hà Nội. Cửa hàng bánh bao sữa đậu nằm ở ngay cạnh Nhà hát Múa rối nước xế cửa đền Ngọc Sơn. Cửa hàng nổi tiếng này bán hai loại bánh bao: nhân mặn với lạp xưởng, thịt băm trộn miến, trứng và nhân ngọt với đậu xanh. Ở đây, người ta luôn ăn bánh bao cùng sữa đậu nành, chứ không thấy ai vừa ăn bánh bao vừa uống sữa bò cả.
Tào phớ
Sáng sáng, thấy tiếng rao "Tào ph...ớ...ớ..." ngân dài từ đầu ngõ là mẹ tôi lại chuẩn bị cái bát con để mua cho bà tôi bát tào phớ.
Tào phớ là thức ăn - uống làm từ đậu nành. Nước đậu xay, lọc cho kết tủa với nước chua thì thành tào phớ. Như thường lệ, mẹ tôi gọi mua bát tào phớ cho bà. Bác Phầu cẩn thận mở nắp thùng, lấy chiếc vỏ con điệp mỏng tang, lượn tay gạt từng lát tào phớ cho vào bát rồi mở liễn nước đường, múc dội lên những lát tào phớ trắng phau mịn màng. Mùi hoa nhài tỏa thơm ngát hòa lẫn hương vị nhẹ nhàng quyến rũ của thứ tinh đậu phụ tiết ra từ những lát tào phớ khiến lũ trẻ chúng tôi thèm rỏ dãi. Thế là mẹ tôi lại phải gọi thêm cho mỗi đứa một bát.
Bình luận (0)