‘Người hùng’ Trung Văn Nam: ‘Nhiều người tin yêu mình hơn’

07/07/2022 17:00 GMT+7

Sau khi cứu sống bé gái 14 tuổi thoát khỏi hỏa hoạn, cuộc sống của “người hùng” Trung Văn Nam có nhiều thay đổi tích cực, anh được nhiều người tin yêu hơn, giao sửa những chiếc máy điều hòa hàng chục triệu đồng mà không cần suy nghĩ.

Bắt lươn góp tiền mua xe đạp

Hành động xông vào giặc lửa cứu sống bé gái 14 tuổi vào trưa ngày 12.1 ở Hà Nội của anh Trung Văn Nam (34 tuổi, quê tại thôn Ngư Thôn Đại Bản, xã Thăng Long, H.Nông Cống, Thanh Hóa; ngụ H.Thường Tín, Hà Nội) đã được xã hội ghi nhận, và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, là điều tử tế cần được lan tỏa. Anh là một trong 5 nhân vật tiêu biểu đầu tiên được bình chọn nhận giải thưởng của chương trình “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam do Báo Thanh Niên và LG Việt Nam phối hợp thực hiện.

Anh Nam là 1 trong 5 gương mặt được vinh danh của chương trình “Lan tỏa điều tử tế”

Hải Cường

Biết anh Nam vừa trở về quê nhà thăm bố mẹ già, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với anh về cuộc sống sau khi trở thành “người hùng”. Nhiều thay đổi tích cực đã đến với anh Nam, nhiều người tin yêu anh hơn nên công việc sửa chữa máy điều hòa của anh ngày càng phát đạt.

Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Ngư Thôn Đại Bản (xã Thăng Long) vẫn còn in đậm ký ức tuổi thơ của anh Nam. Ở đó vẫn còn bộ bàn ghế nhựa, chiếc xe đạp Thống Nhất cũ mà anh phải mất nhiều ngày tháng đi bắt lươn mới tích cóp mua được; những chậu cây cảnh từ thủa thiếu thời đam mê sưu tầm, đưa về nhà trồng vẫn còn xanh tốt, dù một năm anh về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Nam tỉa lại tán cây Xanh cảnh mà anh trồng, chăm từ hồi còn nhỏ

Hải Cường

“Ngày nhỏ, tôi ham nhất là đi bắt lươn ngoài đồng và kiếm các loại cây cảnh để trồng. Khi đó còn nhỏ lắm, mới hơn 10 tuổi là tôi đi bắt lươn rồi. Hôm nào cũng đi. Hôm được ít thì để làm thức ăn, hôm nào được nhiều thì bán, góp tiền lại để mua xe đạp lấy cái đi học. Có những ngày tôi bắt được 2 - 3 kg lươn, mọi người còn không tin nổi mà. Cuối cùng, tôi cũng góp đủ tiền mua được 1 cái xe đạp và một bộ bàn ghế bằng nhựa từ việc đi bắt lươn đấy. Đến giờ chiếc xe đạp và bộ bàn ghế ấy vẫn còn, vẫn sử dụng được”, anh Nam kể.

Chiếc xe đạp Thống Nhất anh Nam mua từ tiền bắt lươn vẫn được bố mẹ ở quê sử dụng hằng ngày

Hải Cường

Anh Trung Văn Nam sinh ra trong gia đình có 2 chị em. Chưa học hết tiểu học thì mẹ anh mắc bệnh xương khớp, kể từ đó đến nay không làm được việc nặng. Có lẽ vì mẹ đau ốm thường xuyên nên từ nhỏ cậu bé Trung Văn Nam đã biết tự lập, biết giúp đỡ bố mẹ công việc nhà và cả việc đồng ruộng.

Mong muốn cuộc sống bình thường

Cuộc sống của anh Trung Văn Nam cũng bình thường như bao người khác. Sau khi học nghề điện dân dụng, anh lấy vợ, sinh con và chọn nghề sửa chữa máy điều hòa ở Hà Nội để mưu sinh, nuôi gia đình và bố mẹ già. Công việc làm thuê và theo mùa vụ nên thu nhập thất thường, trung bình mỗi tháng anh chỉ kiếm được hơn 10 triệu đồng tiền công.

Anh Nam nhớ lại thời trẻ cơ cực, phải đi bắt lươn kiếm tiền mua bàn ghế, xe, đóng học phí,…

Hải Cường

Trưa ngày 12.1, khi đang ăn cơm cùng các đồng nghiệp, anh nghe tiếng hô hoán của người dân có cháy xảy ra ở ngôi nhà trong ngõ 51 Lương Khánh Thiện (P.Tương Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Như một phản xạ tự nhiên, anh Trung Văn Nam chạy tới, trèo lên mái tôn để hỗ trợ mọi người cùng dập lửa. Khi lên mái tôn, anh bất ngờ phát hiện trong phòng tầng 2 ngôi nhà đang cháy có người bên trong. Dù lửa, khói bốc lên ngùn ngụt, nhưng anh Nam vẫn dũng cảm xông lại phá song cửa sổ và cứu sống thành công bé V.H.Y (14 tuổi).

Anh Trung Văn Nam kể lại giây phút kéo bé gái khỏi tay “bà hỏa”

Hải Cường

Sau hành động dũng cảm đó, anh Trung Văn Nam đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người.

“Sau vụ việc, cuộc sống của tôi có đôi chút bị đảo lộn vì nhiều cơ quan báo chí gọi điện, phỏng vấn viết bài. Nhưng cũng từ sau ngày đó, nhiều điều tốt đẹp đến với tôi. Có nhiều lần, khi đến nhà dân sửa điều hòa, người ta nhận ra tôi là người đã cứu cháu bé trong vụ hỏa hoạn, liền nói cười rất vui vẻ, còn bắt tay, chụp ảnh chung nữa. Đặc biệt, nhiều người dân khi có số điện thoại, họ vào Zalo thì nhận ra tôi, thế là họ tin tưởng, yên tâm khi lựa chọn tôi sửa máy điều hòa mà không e ngại tôi gian lận, hay làm không cẩn thận. Có gia đình bây giờ cứ hư hỏng điều hòa, bình nước nóng là gọi cho tôi, nhiều lúc tôi bận đành nói với người ta gọi người khác đến sửa, nhưng họ vẫn bảo sẽ chờ, hẹn tôi đến sửa mới chịu”, anh Nam nói.

Anh Nam tranh thủ kiểm tra, bảo dưỡng chiếc máy điều hòa ở quê cho bố mẹ vượt qua những ngày nắng nóng miền Trung

Hải Cường

“Làng Ngư Thôn Đại Bản có một anh hùng”

Nói về hành động đẹp của con trai mình, bà Lê Thị Thiếp (58 tuổi, mẹ anh Nam) cho biết, chiều 12.1, vợ chồng bà đang làm ngoài đồng thì hàng xóm gọi bảo “thằng Nam nó cứu cháu bé trong đám cháy”. Lúc này, bà Thiếp nhờ hàng xóm mở điện thoại, xem video người ta đăng trên mạng mới biết.

Thời điểm đó, bà Thiếp vừa xem vừa hô to “Cố lên Nam ơi, cố lên Nam ơi” mà không biết rằng sự việc đã xong xuôi, anh Nam và bé gái đều an toàn thoát khỏi đám cháy.

Bà Thiếp cùng chồng tự hào vì có một đứa con dũng cảm

Hải Cường

“Xem xong cái đoạn video đó, tôi có gọi điện nhưng Nam không nghe máy, lúc đó cũng lo lắm, không biết con thế nào. Tôi còn gọi cho cả vợ nó và ông bà thông gia, hỏi xem thế nào. Sau biết nó không làm sao thì mừng lắm. Dù biết là nguy hiểm, nhưng nếu gặp những trường hợp tương tự, tôi mong con trai tôi sẽ tiếp tục có hành động đúng đắn, dũng cảm, nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân”, bà Thiếp nói và cho biết sau sự việc, người dân trong thôn luôn tự hào vì “làng Ngư Thôn Đại Bản” có một anh hùng.

Anh Nam thắp nhang bàn thờ Bác Hồ, gia tiên,… trước khi trở lại Hà Nội mưu sinh

Hải Cường

Nói về tình cảm giữa anh với gia đình cháu bé được anh cứu sống, anh Nam chia sẻ: “Xong sự việc, đôi bên cũng có hỏi thăm nhau, tôi cũng thỉnh thoảng qua thăm cháu bé và gia đình. Tuy nhiên, tôi muốn cả hai bên và cả mọi người nữa hay xem việc đó là bình thường, như chưa có chuyện gì xảy ra, đừng xem như ơn huệ gì cả, như thế tôi cảm thấy thoải mái hơn. Giờ tôi còn khỏe, sẽ tiếp tục với nghề đi sửa điều hòa. Mong muốn sau này lớn tuổi hơn, sức yếu, không vác được cục nóng của điều hòa nữa thì mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh, sửa chữa điều hòa thôi”.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư đoàn xã Thăng Long, cho biết hành động của anh Trung Văn Nam là tấm gương cho lòng dũng cảm, đáng để các đoàn viên trong xã noi theo.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư đoàn xã Thăng Long cho biết anh Nam là một tấm gương để các đoàn viên trong xã noi theo

Hải Cường

“Đoàn xã Thăng Long đã tuyên truyền sâu rộng đến ĐVTN về hành động đẹp, lòng dũng cảm của anh Nam để cùng noi theo. Chúng tôi cũng đã phát động phong trào thi đua trong ĐVTN nêu gương tinh thần dũng cảm cứu người của anh Nam. Với thế hệ trẻ chúng tôi, những hành động, việc làm tử tế như thế luôn là động lực để phấn đấu, cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh hơn”, anh Hùng nói.

Chương trình “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam do Báo Thanh Niên và LG Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh những cá nhân có hành động thiết thực truyền cảm hứng về những việc làm, hành động tử tế, những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường dũng cảm quên mình cứu người. Qua đó kêu gọi mọi người cùng nhân rộng hạt giống của sự tử tế. Chương trình được khởi động từ tháng 7 và sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 12.2022.

Anh Trung Văn Nam là một trong năm nhân vật tiêu biểu đầu tiên được bình chọn nhận giải thưởng của chương trình. Lễ vinh danh sẽ diễn ra vào ngày 12.7 tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.