Bà Hồ Sen là người cuối cùng biết chơi loại nhạc cụ độc đáo này.
Từ đường Hồ Chí Minh, theo tỉnh lộ 17 hơn 20 km với hàng chục khúc cua tay áo vắt qua những quả đồi, chúng tôi mới tới được bản Rào Tre, nơi có 42 hộ dân, với 145 nhân khẩu sống trong những ngôi nhà sàn nhỏ bé dưới núi rừng trùng điệp. Trong tiếng mưa rơi tí tách, văng vẳng nơi xa một thứ thanh âm mê hoặc, hòa với tiếng hát của một người đàn bà.
Tiếng đàn chưrabon kéo bước chân chúng tôi đến một căn nhà nhỏ dưới chân núi. Một phụ nữ da ngăm đen, chừng 60 tuổi, đang ngồi bên bếp lửa vừa chơi đàn vừa hát. “Bà là Hồ Sen, người duy nhất còn lại biết làm và chơi được đàn chưrabon, cây đàn độc đáo của tộc người Chứt”, đại úy Phạm Đình Minh, cán bộ Bộ đội Biên phòng cắm bản dẫn tôi vào bản, nói.
Theo đại úy Minh, trước đây, người Chứt là một tộc người ở trong hang đá, sống bằng săn bắt, hái lượm. Trong núi rừng thâm u ấy, người Chứt đã sáng tạo ra những nhạc cụ độc đáo, đậm nét hoang sơ. Ngoài khèn môi, đàn chưrabon cũng được người Chứt coi như báu vật. Là người duy nhất còn lại biết chơi đàn, bà Hồ Sen được dân bản xem là “báu vật sống” đang giữ được hồn thiêng của tộc người Chứt.
Cây đàn chưrabon được làm bằng 1 ống nứa dài khoảng 50 cm, cột 2 sợi dây cước chạy song song, cái cần kéo qua sợi dây cước để phát lên âm thanh là 1 thanh nứa mỏng giống như cây vĩ kéo nhị của người dưới xuôi.
Bên bếp lửa, người đàn bà ấy vẫn say sưa vừa đàn vừa hát dù có khách lạ tới thăm. Bà hát bằng tiếng người Chứt, thi thoảng có câu bằng tiếng Việt. Đại úy Minh ghé tai tôi nói nhỏ: “Hôm nay chắc có chuyện gì vui nên bà Hồ Sen mới đưa đàn ra kéo vì người Chứt chỉ kéo đàn vào ngày tết truyền thống là lễ Lấp Lỗ và lễ Chăm cha bới (cúng cơm mới, khởi đầu vụ mùa) hoặc ngày cưới...”.
Dứt lời bài hát, bà Hồ Sen ngước lên chào chúng tôi bằng tiếng Việt khá sõi và nói: “Mấy hôm ni ta vui lắm. Bộ đội vừa xây xong cho gia đình cái móng nhà. Sắp tới có nhà mới làm bằng bê tông để ở. Không sợ dột, không sợ mưa bão nên cái bụng ta vui. Vì rứa, ta hát bài cám ơn bộ đội biên phòng đó”.
|
Báu vật của làng
Người Chứt không ai nhớ năm sinh tháng đẻ của mình và vốn chỉ có tên chứ không có họ. Khi được đưa ra khỏi rừng, để ghi nhớ công ơn Bộ đội Biên phòng dạy cho cách trồng lúa nước, trồng sắn và học chữ, họ lấy họ Bác Hồ đặt cho mình và con cháu. Bà Hồ Sen không nhớ ai là người đầu tiên làm ra chiếc đàn chưrabon, bà chỉ biết đây là nhạc cụ của người Chứt có từ xưa khi còn ở tận trong rừng sâu, được xem như là vật linh thiêng cho nhiều mùa lễ hội, cho tình yêu đôi lứa. Bà kể, hồi nhỏ, những ngày lễ, tết hoặc ngày nào bà con trong bản săn bắt được nhiều thú rừng thì các cụ ông, cụ bà lại đem đàn ra kéo.
Theo quy ước của người Chứt, phụ nữ kéo đàn chưrabon, đàn ông thổi khèn môi, nhảy múa bên cạnh con nai, con lợn đang nướng trên bếp củi. Những âm thanh phát ra từ hai nhạc cụ hòa quyện vào nhau, đại diện cho tiếng hát của chàng trai, cô gái xóa đi sự mệt mỏi sau một ngày lao động, làm tan biến sự cô độc nơi thâm sơn cùng cốc. Mỗi lần ra bờ suối, bà Hồ Sen thấy các anh chị yêu nhau, trai thổi khèn môi, gái kéo đàn chưrabon, vừa đàn vừa hát giao duyên. Nếu ưng nhau sẽ thành chồng thành vợ.
“Nhờ biết chơi đàn này mà ta chinh phục được chồng ta đó. Ông ấy cũng là người duy nhất biết chơi khèn môi còn sót lại, nhưng giờ cây khèn bị hư rồi, nên chồng ta không làm lại và thổi nữa”, bà nói.
Bà Hồ Sen lại kéo đàn và hát những giai điệu đã khiến vợ chồng bà nên duyên, sau đó dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Đại ý: “Một năm có mười hai cái tháng/Một tháng có ba mươi cái ngày/Anh yêu em, em yêu anh/Anh đi đâu, em đi đó/Em đi đâu, anh đi đó /Dù con nai bỏ rừng/Con lợn rừng quay lại /Chúng ta vẫn yêu nhau...”.
tin liên quan
Hát Then 'sống' ở Hà NộiSống ở Thủ đô nhưng lại muốn gìn giữ điệu Then truyền thống của người Tày, Nùng nên một câu lạc bộ (CLB) Hát Then đàn Tính Hà Nội đã ra đời và thu hút được sự quan tâm của không ít bạn trẻ.
Nỗi lo thất truyền
Bà Hồ Sen nói rằng, làm được đàn chưrabon thì dễ nhưng để kéo lên được giai điệu của đàn thì không phải ai cũng làm được. Bởi vậy mà các thế hệ sau này nản chí, người biết kéo đàn thưa dần theo thời gian. Ra khỏi rừng sâu, người Chứt được tiếp xúc với cuộc sống văn minh, những người con của núi rừng càng không mặn mà với loại nhạc cụ này nữa.
“Bây giờ, mỗi khi đến ngày lễ, ngày vui hoặc có gia đình mô trong bản tổ chức lễ cưới hỏi cho con là ta lại được mời đi kéo đàn”, bà Hồ Sen nói rồi chợt buồn vì không biết sau này khi bà nằm xuống, ai sẽ là người kéo đàn cho họ tộc vào những ngày vui. “Bọn trẻ bây giờ nó chẳng ham học loại nhạc cụ này nữa. Vợ chồng ta sinh được 3 người con, chỉ đứa con gái là biết kéo chút ít nhưng nó cũng không đam mê lắm”, bà Hồ Sen thở dài.
Rồi bà ngừng hát, ngừng kể về cuộc sống của người Chứt, lấy chiếc ấm trong bếp rót nước mời khách. Đón chén nước từ tay bà Hồ Sen, đại úy Minh thông báo, hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với Học viện âm nhạc Huế và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội lập đề án nghiên cứu và bảo tồn đàn chưrabon và mong muốn bà giữ gìn sức khỏe để truyền lại những kỹ nghệ kéo đàn cho con cháu.
Nghe đại úy Minh nói, bà Hồ Sen vui lắm. Bà lại cầm cây đàn chưrabon vừa kéo, vừa hát: “Bộ đội giúp ta trồng rừng nuôi heo/Bộ đội giúp ta xây nhà/Dù ta đi đâu về đâu/Ta cũng nhớ ơn bộ đội…”.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng bản Giàng (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, năm 1958, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trong một lần tuần tra đã phát hiện tộc người Chứt sống trong hang nên tìm cách đưa dần từng người về sinh sống tại bản Rào Tre.
Theo chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre, nhờ được Bộ đội Biên phòng dạy cho cách trồng lúa, trồng rừng, đến nay đời sống của người dân trong bản đã được cải thiện đáng kể. Những hủ tục như sinh con ngoài bờ suối, tin vào thầy mo chữa trị bệnh tật và hôn nhân cận huyết dần được xóa bỏ.
|
Bình luận (0)