Người khỏi bệnh Covid-19 có tiêm ngừa cúm được không?

17/02/2022 17:58 GMT+7

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 tỉ người mắc bệnh cúm mùa, trong số đó có 3-5 triệu trường hợp nặng làm khoảng 650.000 người tử vong. Thế giới phải giám sát chủng vi rút cúm thay đổi mỗi năm để có biện pháp ứng phó, phòng ngừa...

Đó là thông tin nêu ra tại hội thảo chủ đề "Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh Covid-19", do Hội Y học dự phòng phối hợp cùng Công ty Sanofi Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 17.2.

Báo cáo của các chuyên gia tại hội thảo cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 1 tỉ người mắc cúm mùa, trong số đó có 3-5 triệu trường hợp nặng (trong số này có 650.000 ca tử vong). Điểm đáng lưu ý là phần lớn các trường hợp mắc cúm tử vong xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Tỷ lệ mắc cúm mùa hằng năm ước tính từ 5 - 10% ở người lớn và 20 - 30% ở trẻ em.

Trẻ em dễ mắc cúm mùa khi thời tiết thay đổi

Khánh Vy

PGS-TS Cao Hữu Nghĩa (giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM) tham luận tại hội thảo rằng, ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm gây ra có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Cụ thể, biến chứng gặp phải do cúm là: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có ở trẻ em; cúm là yếu tố làm giảm sức đề kháng, khiến người lớn tuổi khó hồi phục sau khi khỏi bệnh nhiễm trùng nào đấy. Người đang có bệnh nền hoặc đang mang thai nếu mắc cúm thường dễ làm bệnh nặng nề hơn...

Bệnh cúm mùa lây qua đường hô hấp. Ở các nước vùng ôn đới, cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông - xuân; ở các nước vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm mùa có thể xảy ra quanh năm.

Đã khỏi bệnh Covid-19 tiêm ngừa cúm được không?

Các câu hỏi cũng được đặt ra tại hội thảo, rằng khi đã tiêm phòng Covid-19 hay mắc bệnh Covid-19 đã khỏi thì có tiêm phòng cúm được không?

Trả lời câu hỏi trên, bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc y khoa hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, khi đã khỏi bệnh Covid-19 vẫn tiêm phòng cúm bình thường (tất nhiên sau khi đã hết cách ly), và không có khuyến cáo về khoảng cách giữa hai mũi tiêm phòng hai bệnh Covid-19 và cúm mùa.

Các chuyên gia lưu ý, do tập trung phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, nên nhiều người lơ là với bệnh cúm. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau. Nhưng khi chúng ta phòng chống dịch Covid-19 cũng là gián tiếp dự phòng bệnh cúm và viêm phổi.

PGS-TS Cao Hữu Nghĩa

CTV

Còn theo PGS-TS Cao Hữu Nghĩa, vi rút gây bệnh cúm đã có từ rất lâu, nó liên tục biến đổi, "làm mới" mình. Do vậy, các nước trên thế giới đều lập ra hệ thống giám sát bệnh cúm - giám sát ca bệnh, giám sát chủng vi rút gây bệnh, giám sát bệnh trong cộng đồng... Việc giám sát để biết được chủng vi rút gây cúm trong thời gian tới biến đổi thế nào, để từ đó WHO đưa ra khuyến cáo cho từng khu vực, từ đó các nhà sản xuất vắc xin mới nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng được bệnh cúm do chủng vi rút mới gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.