|
Lớn nhưng không mạnh, nhiều nhưng không tinh... nghịch lý này khiến cà phê Việt có mặt ở khắp nơi nhưng không được ai biết đến.
Uống một đằng, sản xuất một nẻo
Bức tranh về ngành cà phê luôn được "vẽ" với số lượng xuất khẩu đứng đầu thế giới, diện tích trồng cà phê ngày một tăng. Cụ thể, năm 2013, VN xuất khẩu 1,3 triệu tấn cà phê đạt 2,7 tỉ USD. So với năm 1990, sản lượng xuất khẩu cà phê VN đã tăng gấp 14 lần, kim ngạch cao xấp xỉ 30 lần.
Chúng ta đang tự hào là người khổng lồ trong xuất khẩu cà phê, nhưng nếu có dịp nhâm nhi ly cà phê tại một nước trong nhóm VN xuất khẩu nhiều, tìm đỏ mắt bạn cũng không thấy được một gói cà phê “Made in Vietnam” được đặt trên quầy, kệ |
||
Ông Robert Trần |
||
Thế nhưng, sự thật là ngành hàng cà phê VN đã bị sụt giảm đáng kể về chất lẫn lượng. Báo cáo đầu năm 2014 của Bộ NN-PTNT cho thấy xuất khẩu cà phê VN giảm gần 25% về lượng và xấp xỉ 26% về kim ngạch. Lý do theo một chuyên gia trong ngành này, chúng ta quá chú trọng về lượng, coi thường việc tăng giá trị khiến giá bán thường thấp hơn cà phê các nước.
Lý do quan trọng hơn là sản xuất cà phê của VN đang đi ngược với nhu cầu và xu hướng thế giới. Trong khi thế giới đang chuộng cà phê Arabica (chè), thì chúng ta lại chủ yếu là cà phê Robusta (vối). Trong khi trên thị trường thế giới, cà phê chè luôn được đánh giá cao hơn vì có hương vị thơm ngon nên thường có giá cao gấp đôi giá cà phê vối. Trong một lần chia sẻ với Thanh Niên về nguyên liệu cà phê, ông Andrew Nguyễn, chủ chuỗi cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf tại VN, cho biết khoảng 70 - 80% sản phẩm cà phê cao cấp trên thế giới dùng hạt cà phê chè làm nguyên liệu sản xuất chính. Đây cũng là một trong những lý do khiến rất nhiều hãng cà phê danh tiếng tuy đã có mặt tại thị trường nội địa nhưng nguyên liệu cà phê Việt vẫn không thể chen chân vào. Các hãng nước ngoài vẫn nhập gần như 100% cà phê từ nước ngoài để bán cho người trong nước.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành không giấu nổi sự khó hiểu: “Người ta uống một đằng, mình sản xuất một nẻo. Vấn đề này đã được nói trước đây rất lâu, đeo đẳng ngành cà phê từ ngày này sang tháng nọ nhưng hình như các anh (nhà quy hoạch ngành cà phê - PV) không quan tâm hay do thổ nhưỡng VN chúng ta không làm được? Lấy nông nghiệp làm trọng, anh chỉ có thể thắng người ta khi anh coi trọng việc xuất khẩu sản phẩm đã chế biến, tôi nhấn mạnh là đã chế biến chứ không phải sơ chế thay vì cứ hái hạt cà phê về, phơi phóng rồi xuất thô như cách làm lâu nay”.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Tổng giám đốc công ty chuyên trồng và sản xuất cà phê Arabica, cà phê chồn (Trại Hầm, Lâm Đồng), cho rằng vấn đề của ngành cà phê VN là thiếu sự tự tin của nhà sản xuất. Tư duy luôn nghĩ cà phê VN kém chất lượng, tiêu chuẩn không đồng nhất, số lượng không ổn định nên không dám nghĩ lớn, không dám làm lớn. “Cứ mua thô, xuất thô cho nó yên. Lâu dần, chính chúng ta mặc định sản phẩm của mình thấp hơn nước khác. Làm sao để thế giới tin chúng ta có thể làm được sản phẩm cà phê chế biến ngon, tinh và chất lượng được khi chính chúng ta không tin mình?”, ông Minh đặt vấn đề.
Lợi nhuận ít, thương hiệu không
Theo các chuyên gia, giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân gấp 3 lần. Với 95% sản lượng cà phê xuất thô, chúng ta không chỉ kiếm chút lợi nhỏ nhoi mà còn dẫn đến một hậu quả lớn hơn, không xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.
Hiện có khoảng 10 quốc gia đang nhập nhiều cà phê nhân của VN là: Mỹ, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh và Trung Quốc. Thế nhưng chuyên gia chiến lược Robert Trần, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các hiệp hội ngành tại các nước, cũng chua chát nhận xét: “Chúng ta đang tự hào là người khổng lồ trong xuất khẩu cà phê, nhưng nếu có dịp nhâm nhi ly cà phê tại một nước trong nhóm trên, tìm đỏ mắt bạn cũng không thấy được một gói cà phê “Made in Vietnam” được đặt trên quầy, kệ. Tất cả đều được sản xuất ở nước ngoài, không một chữ VN. Rất có thể những ly cà phê bạn đang uống ở Mỹ đó được làm từ nguyên liệu cà phê VN nhưng không có một dấu hiệu nào để thấy VN có mặt ở đó. Tất cả được chế biến ở nước ngoài". Ông Andrew Nguyễn cũng khẳng định, nguyên liệu cà phê cung cấp cho hệ thống Coffee Bean & Tea Leaf toàn cầu được chọn lựa kỹ từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chưa thấy cà phê nguyên liệu từ VN. Bản thân ông Andrew cũng nhiều lần nỗ lực giới thiệu tập đoàn tìm nguyên liệu tại VN nhưng đến nay chưa có kết quả.
Rất nhiều người Việt yêu cà phê khi ra nước ngoài du lịch cũng có ý tìm cà phê trong nước vì "nghe nói xuất khẩu nhiều" ở nước họ tới nhưng vô vọng. Việc xuất thô đã khiến cà phê Việt hoàn toàn không tên tuổi ở chính quốc gia sản phẩm này có mặt.
Theo Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê toàn cầu đã tăng liên tục trong vòng 40 năm qua với tốc độ tăng bình quân 1,6%/năm. Dự báo giá cà phê sẽ duy trì ở mức hơn 2.000 USD/tấn (theo sàn cà phê London, giá cà phê ngày 15.10 là 2.155USD/tấn. Thực tế nhiều giai đoạn giá cà phê giảm sâu dưới 1.800 USD/tấn). Dự thảo “Quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng 2030” của Bộ NN-PTNT cũng dự báo: đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,5 tỉ USD/năm, năm 2030 đạt 4 - 4,5 tỉ USD/năm.
Những con số trên cho thấy, tiềm năng của cà phê là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tăng “chất” cho cà phê xuất khẩu thì VN lại hầu như không có một chiến lược cụ thể để khai thác.
Hiệp hội ở VN quá mờ nhạt Ông Robert Trần nhận xét: Quan trọng để phát triển một ngành là vai trò của hiệp hội. Hiệp hội Cà phê của Brazil có vai trò rất lớn trong đàm phán, tư vấn thị trường cho doanh nghiệp. Hiệp hội đôi khi như đại diện của chính phủ để đi nói chuyện với các nước về ngành hàng của họ, Brazil, Ấn Độ đã thành công điều này. Nhưng tại VN thì ngược lại, không có hiệp hội nào có tiếng nói mạnh, đại diện quốc gia để nói chuyện với đối tác. Đây cũng là lý do khiến ngành cà phê, tuy là người khổng lồ, vẫn còn chịu quá nhiều thiệt thòi so với thiên hạ. |
>> Khánh thành nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu lớn nhất nước
>> Giá cà phê tăng
>> Giá cà phê giảm mạnh trước vụ thu hoạch
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 58: Tính kế làm ăn lớn với cà phê chồn
Nguyên Nga
Bình luận (0)