Tập truyện “Người không mặt” gồm 14 truyện ngắn, khắc họa chân dung của những người trẻ đô thị. Họ là những thanh niên từ các vùng tỉnh lẻ về thành phố theo học rồi ở lại làm việc. Họ có ước mơ, nhiều hoài bão nhưng sâu xa trong tâm thức là những nỗi hoang mang, mất mát. Và đặc biệt, trong số đó có không ít người rơi vào tình thế mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả hình thành nên một nội tâm phức tạp mà đôi khi chính bản thân người trong cuộc cũng không thể nắm bắt.
Dưới ngòi bút của Yến Linh, cuộc sống của những người trẻ đô thị đầy ngột ngạt, căng thẳng và áp lực. Họ luôn luôn phải xoay mòng mòng giữa cuộc sống và công việc, thậm chí đôi khi công việc trở thành một ám ảnh không ngừng.
Dù muốn dù không, họ đành phải trượt dài trên đường ray đã định sẵn. Không có cách nào khác ngoài đương đầu. Có những người vượt qua, nhưng cũng có những người thất bại, quỵ ngã.
Trở lại với tập truyện “Người không mặt”, Yến Linh mang đến một tâm thế hoàn toàn khác lạ: trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trong tư duy cũng như trong ngòi bút. Có lẽ, thời gian 5 năm vừa qua đủ để chị xác tín cho mình rằng, cuộc sống niềm vui, hạnh phúc cũng nhiều nhưng nỗi buồn, bất hạnh cũng lắm. Trong nỗ lực của mình, ngòi bút của Yến Linh đã chạm đến những góc khuất, đến “tảng băng chìm” trong tận sâu thẳm của mỗi nhân vật. Mà những nhân vật ấy không ở đâu xa, độc giả hẳn sẽ bắt gặp đâu đó ngoài kia, trong văn phòng, trong những căn hộ chung cư.
Đọc tập truyện “Người không mặt”, hẳn độc giả dễ dàng nhận ra không khí u ám, buồn bã trong các truyện ngắn của Yến Linh, kể cả những truyện ngắn về viết tình yêu. Tuy vậy, cuốn sách không mang đến sự bi quan mà ngược lại, nỗi buồn đó được xem như là điều kiện đủ để tuổi trẻ có thể trưởng thành, như tâm sự của Yến Linh ở đầu cuốn sách: “Không ai dạy cho chúng ta cách vượt qua nỗi buồn, không ai dạy cho chúng ta cách hết nỗi hoang mang. Tuổi trẻ phải tự lớn lên bằng những trải nghiệm của chính mình”.
Thông tin bên lề
Trước tập truyện “Người không mặt”, Yến Linh được biết đến với các tác phẩm như: Tiểu thuyết “Những phiên bản nằm nghiêng”, “Dù thế nào Adam cũng sinh trước Eva”, “Mọi người đều đặc biệt”, “Ngày thôi không chờ đợi”, “Nụ cười hồn nhiên”, “Một phẩy sáu nhân hai”…. Năm 2007, Yến Linh được tặng thưởng “Tác giả trẻ” trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ. Năm 2010 chị đoạt Giải nhì cuộc thi truyện ngắn “Tuổi thanh xuân” của Tập san Áo Trắng.