Ngày 18.5 vừa qua, Trung tâm kỷ lục châu Á (trụ sở tại Ấn Độ) đã xác nhận NSƯT - đạo diễn Nguyễn Văn Lượng (Giám đốc Xưởng phim truyền hình Hải Phòng) là Đạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước - con người miền biển đảo nhiều nhất châu Á.
Sinh năm 1957 tại Đại Trà (Kiến Thụy, Hải Phòng), ngay từ nhỏ cậu bé Lượng đã mê viết văn, miệt mài sáng tác. Lớn lên, Lượng trở thành một thầy giáo, khi rảnh rỗi anh viết cộng tác với một số tờ báo và dần dần chuyển hẳn sang nghề báo.
|
Năm 1984, Lượng về Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng. Từ vốn liếng văn chương và kinh nghiệm những năm làm báo, anh hăm hở lao vào làm biên kịch, làm đạo diễn. Vốn là người sinh ra lớn lên bên biển nên đề tài yêu thích của Lượng vẫn là đất nước, con người miền biển. Tính đến nay, sau gần 30 năm gắn bó với máy quay anh đã thực hiện khoảng 600 bộ phim mà một nửa trong số đó là phim về biển đảo.
Nhà có 3 đạo diễn
Dù làm một phóng sự ngắn hay bộ phim truyện dài hàng chục tập, anh luôn tự nhủ đã làm là phải làm với ý thức cẩn trọng, đam mê, dốc hết ruột gan ra làm. Ngày xưa gom góp mãi mới có một chiếc máy ảnh, vậy mà cũng đem bán để làm phim. Rồi bán xe máy, vật dụng để mua máy quay phim... Sau này hai, ba lần bán nhà cũng vì làm phim... Hỏi: “Thế vợ con anh cũng chiều ý à?”, anh cười: “Khác với nhiều người, vợ con tôi không chỉ chiều mà tự nguyện... cuốn theo. Bán xe mua máy quay? Cũng ừ! Bán nhà trả nợ vì phim cũng xong. Mình máu nghề làm lây khổ cả ra vợ, con. Tôi có hai thằng con trai bị bố cấm tiệt để mong nó làm ở lĩnh vực khác nhưng cuối cùng cả hai thằng đều theo nghề bố - học và làm đạo diễn. Vợ tôi nói nhà có một ông đạo diễn đã vỡ trận liên tục: mất xe, mất nhà... Giờ lại có tới ba “ông” thì anh biết gia đình tôi vui thế nào”.
Làm phim về những người tài
Hiện đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã được giao nhiệm vụ lớn nhất từ trước đến giờ: làm bộ phim truyện truyền hình dài tập đồ sộ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
“Có quá sức đối với một đơn vị nhỏ của anh?”. “Đôi lúc cũng thấy nhiều việc tưởng như khó vượt qua như phim cổ mà không có trường quay. Phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều là tay trắng phải tự làm nên. Nhưng với kinh nghiệm của một kẻ lãng tử đã phiêu lưu và thành công trong nghề gần 30 năm và nhất là có quá trình chuẩn bị theo ý muốn nên giờ tôi lại không ngại nữa. Khi đi Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông về, anh em trong ê kíp làm phim thêm tin rằng mình làm được. Việc khó nhất là phim trường thì chúng tôi có “âm phù dương trợ” nên cơ bản sẽ dựng được tại Yên Tử - Quảng Ninh. Ngoài bộ phim quy mô đầu tiên cho dự án của Việt Nam Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng tôi đã chuẩn bị một số phim cổ trang về những con người tài ba, giỏi giang của đất nước. Đó là một series phim mà tôi đã ấp ủ suốt gần 30 năm qua và cũng đã thực hiện được một số nhân vật như Trạng Trình - người tiên tri họ Nguyễn, Dương Kinh một thuở, Đi tìm hạt vàng mười… và hàng chục chân dung nho nhỏ trong các chương trình phim Hải Phòng thành phố tôi yêu phát trên truyền hình Hải Phòng và chương trình Ơi… Hải Phòng phát trên truyền hình Việt Nam”.
Hà Đình Nguyên
>> Thái Hòa và Victor Vũ làm phim "Quả tim máu
>> Hướng dẫn làm phim 1 phút
>> Victor Vũ làm phim tương tác
>> Cuộc thi làm phim về sự vô cảm
>> Lý An lần đầu làm phim truyền hình
Bình luận (0)