Bên cạnh những bộ phim truyền hình mang đề tài đương đại, nhiều dự án phim lấy bối cảnh xã hội những năm đầu thế kỷ 20 đang được thực hiện.
Trước hết phải kể đến dự án phim Trò đời (dài 30 tập) do Trung tâm sản xuất phim - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) phối hợp với Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện. Phải đến cuối năm mới lên sóng, nhưng bộ phim đã gây chú ý ngay từ khi kịch bản vừa được hé lộ. Trò đời được chuyển thể từ tác phẩm văn học và những phóng sự đã quá nổi tiếng của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, đề cập tới xã hội thành thị trước trào lưu u hóa những năm 30 của thế kỷ trước. Phần “xương sống” của kịch bản dựa theo tiểu thuyết Số đỏ, bên cạnh là những câu chuyện được rút ra từ nhiều phóng sự như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô…
|
Dự án thứ hai là phim truyền hình lịch sử một tập (dự kiến dài khoảng 120 phút) về nhà cách mạng Phan Bội Châu. Bộ phim dựa trên câu chuyện lịch sử vào những năm 1900, Phan Bội Châu sang Nhật Bản tìm đường cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Bộ phim được mong chờ, không chỉ do đề cập tới nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam, mà còn bởi tập hợp nguồn lực của hai đài truyền hình là TBS - Nhật Bản và Đài truyền hình Việt Nam. Phim được quay với các bối cảnh tại Việt Nam và Nhật Bản cùng dàn diễn viên của hai nước. Hai bên đang cùng xây dựng kịch bản với sự cố vấn của các chuyên gia lịch sử. Dự kiến, những cảnh quay đầu tiên sẽ được ghi hình vào quý 2 năm nay. Đến tháng 9, phim sẽ được phát sóng trên cả hai kênh truyền hình của hai quốc gia.
Một dự án còn chưa được nhiều người biết tới là bộ phim dựa theo tiểu thuyết Gánh hàng hoa của nhà văn Khái Hưng và Nhất Linh do hãng phim tư nhân của đạo diễn Trần Lực sản xuất.
Nhà làm phim gặp khó
Trong ngày đông Hà Nội giá lạnh, đoàn làm phim Trò đời ghi hình tại công viên Bách Thảo. Đạo diễn Nhuệ Giang và nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn lựa chọn từng góc quay, cố gắng để khuôn hình không bị “dính” hình ảnh của ngày nay, từ những ngôi nhà mang kiến trúc hiện đại, cột điện, dây điện, cho đến những chi tiết như máy điều hòa, cửa sắt, người qua lại… “Tìm bối cảnh cực lắm. Hơn nữa Trò đời không phải là câu chuyện của một gia đình mà của cả xã hội thời xưa. Bối cảnh thì mênh mông nên khi chọn trường quay ngoại cảnh, chúng tôi phải gạn lọc, tránh những hạt sạn đáng tiếc” - đạo diễn Nhuệ Giang cho hay. Đoàn làm phim đã phải khảo sát nhiều địa điểm quay không chỉ tại Hà Nội mà cả những tỉnh thành khác như Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Một số tiền lớn cũng bị ngốn vào việc phục dựng bối cảnh, thiết kế phục trang và chế tác đạo cụ. Đạo diễn cho biết: “Gần như phải phục dựng lại toàn bộ”. Dù tìm được một ngôi biệt thự đúng như ý, nhưng đoàn làm phim vẫn phải đi tìm, thậm chí đóng lại từng bộ bàn ghế, giường, tủ cho đúng kiểu ngày xưa. Riêng phần trang phục, họa sĩ thiết kế phục trang - NSƯT Nguyễn Thanh Hà - cũng đã phải may tới hơn 200 bộ quần áo, phụ kiện… cho từng nhân vật chính, phụ.
Theo thông tin từ VFC, Trò đời là một trong những bộ phim có chi phí lớn nhất từ trước đến nay. Còn đạo diễn Trần Lực thì dự tính mỗi tập phim (được chuyển thể từ tiểu thuyết Gánh hàng hoa) phải lên tới con số trăm triệu đồng. Kịch bản phim dài 50 tập đã được hoàn tất, hiện tại đạo diễn Trần Lực đang tìm kiếm đơn vị phối hợp đầu tư, thực hiện bộ phim.
Minh Ngọc
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1
>> Phim Việt thời thiếu vai để đời: Bỏ phí người tài!
>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời
>> Vào mùa phim Việt
>> Sống chết với nghiệp diễn: Thở dài với phim Việt
>> Hai phía chân trời': Phim Việt, quay ở châu u
Bình luận