‘Người lắng nghe: Lời thì thầm’: Khi sự thật không thể bị lãng quên

10/03/2022 17:28 GMT+7

Người lắng nghe: Lời thì thầm - Bộ phim đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn ra mắt khán giả VN hôm 4.3 vừa qua, sau khi đã chu du khắp các liên hoan phim trên thế giới .

Điểm nổi bật của bộ phim là giá trị tinh thần nhân văn với câu chuyện xoáy sâu vào những góc khuất trong tâm hồn con người.

Lấy cảm hứng từ bộ phim cuối cùng của Trương Quốc Vinh

Người lắng nghe là bộ phim được đạo diễn Khoa Nguyễn sáng tạo dựa trên cốt truyện của Dị độ không gian do La Chí Lương làm đạo diễn và được phát hành vào năm 2002.

Đạo diễn Khoa Nguyễn làm việc với diễn viên Oanh Kiều trên phim trường Người lắng nghe

NSX CUNG CẤP

Phim kể về bác sĩ tâm thần A Chiêm (Trương Quốc Vinh thủ vai). Bệnh nhân của anh là Chương Hân (Lâm Gia Hân), một cô gái tin rằng mình có khả năng nhìn thấy ma. Trong quá trình điều trị cho Chương Hân, A Chiêm lại phát hiện ra những vấn đề tâm lý của chính mình. Cuối cùng, A Chiêm đã chọn cách tự tử. Khác với Dị độ không gian tập trung kể về ảo giác, chứng trầm cảm lâm sàng, chấn thương tâm lý và tự sát thì Người lắng nghe: Lời thì thầm khai thác triệt để những khía cạnh tâm lý của từng nhân vật để làm sáng tỏ những góc khuất trong con người họ.

Cảnh one-shot mở đầu phim khá ấn tượng, dẫn lối khán giả đến trực diện với nỗi sợ hãi của nữ nhà văn An Nhiên (Oanh Kiều đóng). Phần giới thiệu bác sĩ trị liệu tâm lý Tường Minh (Quang Sự) cũng hết sức logic và thuyết phục ngay từ đầu. Cũng vì chính cách tiếp cận nhân vật bằng cảm xúc và kể lại câu chuyện của họ nên những vấn đề y khoa, trị liệu trong phim không được đào sâu nhưng cũng rất đáng ghi nhận khi hiếm có phim Việt nào khai thác yếu tố này.

Diễn viên Quang Sự (trái) và Quốc Cường trong phim Người lắng nghe

nsx cung cấp

Bộ phim đưa vào những chi tiết mang tính biểu tượng không quá phức tạp để có thể hiểu được. Cho dù nhân vật chính hay phụ, thì mỗi người đều có những câu chuyện đằng sau “bức màn nhung" ấy. Ai cũng cần một người để lắng nghe nhưng không phải ai cũng buông bỏ được quá khứ và học cách chấp nhận thực tại. Nữ nhà văn An Nhiên ám ảnh với nỗi đau gia đình, bác sĩ tâm lý Tường Minh có cuộc sống yên bình nhưng lại bị dằn vặt bởi một cô gái trong quá khứ, hay cả tuyến nhân vật phụ như Phương Vy (Phạm Quỳnh Anh), bác sĩ Tuấn Khang (Quốc Cường), cô gái Lê Vân (Lý Hồng Ân),... cũng có những câu chuyện cho riêng mình. Với những phân cảnh lặp đi lặp lại xuyên suốt bộ phim, người xem cũng có thể dễ dàng xâu chuỗi lại để thấy được những vấn đề mà đạo diễn muốn gửi gắm. Sau những biến cố mà nhân vật chính phải trải qua, Khoa Nguyễn cho bộ phim của mình một cái kết mở có phần tươi sáng nhưng cũng đọng lại nhiều trăn trở.

Nam tính độc hại - cái tôi mong manh cần được lắng nghe

Người lắng nghe: Lời thì thầm đã cố gắng xây dựng tuyến nhân vật phụ song song với tuyến nhân vật chính để khiến tuyến nhân vật này không còn nằm ngoài rìa câu chuyện. Với bác sĩ Tuấn Khang và người vợ Phương Vy - hai nhân vật này đồng hành cùng An Nhiên trong hành trình chữa bệnh của cô, đôi vợ chồng trẻ này cũng có những câu chuyện khó chia sẻ cùng nhau. Tuấn Khang là tuýp người coi trọng sự nghiệp, nguyên tắc và rập khuôn trong công việc, gia trưởng trong gia đình còn Phương Vy là một cô gái bản lĩnh với tạo hình là một nữ doanh nhân, có tính cách đối nghịch hoàn toàn với chồng mình. Hai tính cách đối lập đem lại một sự tương tác không hề nhạt nhoà mà ngược lại còn làm tăng thêm sự nổi bật của tuyến nhân vật này so với cốt truyện chính.

Sự nam tính độc hại mà bộ phim đưa vào còn thể hiện ở vấn đề hiếm muộn con cái giữa hai vợ chồng. Người lắng nghe: Lời thì thầm đã tinh tế đưa ra một vấn đề khó nói để rồi giải quyết nó theo hướng kinh dị, gây ám ảnh nhân vật của mình. Những gì thuộc về tính nữ của Phương Vy không được phép chào đón ở khuôn mẫu của nam tính độc hại, mà ở đây là với Tuấn Khang - người bác sĩ khuôn mẫu. Điều này gây ra những xung đột trong cuộc sống hôn nhân mà Tuấn Khang nghĩ rằng mình có địa vị, trách nhiệm gánh vác công việc nhiều hơn nên có vị thế cao hơn. Phạm Quỳnh Anh diễn rất tròn vai, thể hiện được những áp lực đã đè nén một người phụ nữ vừa làm vợ đảm, một người chị kiêm người quản lý xuất bản sách của An Nhiên.

Đứa con đầu lòng của Khoa Nguyễn: điều gì khiếm khuyết, điều gì mời gọi?

Với dự án điện ảnh đầu tay ra mắt trong tư cách đạo diễn, Khoa Nguyễn và Người lắng nghe: Lời thì thầm không thể tránh khỏi đôi chỗ non tay trong cách kể chuyện, nhất là khi nhà làm phim hơi mải mê với những câu chuyện của các nhân vật phụ, khiến cho vấn đề chính của cả bộ phim được giải quyết khá muộn. Âm nhạc trong phim có nhiều lúc còn thiếu tiết chế bởi đôi khi người xem không cần âm nhạc trỗi lên quá nhiều mà chỉ cần nghe được âm thanh và diễn xuất của diễn viên thôi cũng đã đủ.

Bộ phim Người lắng nghe gây chú ý với các giải thưởng đạt được ở các liên hoan phim quốc tế

NSX CUNG CẤP

Tuy vậy, Người lắng nghe: Lời thì thầm vẫn là một bộ phim đáng xem về lĩnh vực tâm lý học và những khía cạnh tâm lý của con người. Bộ phim này đã gặt hái nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế như giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất (kinh phí dưới 250.000 USD) tại LHP Quốc tế New York 2021, giải Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Gold Movie Awards 2021, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (Oanh Kiều) và giải Nam diễn viên chính ấn tượng nhất (Quang Sự) tại LHP Nghệ thuật Châu Á 2021,... khẳng định được sự nghiêm túc, chỉn chu của một ê-kíp làm phim Việt Nam với một tác phẩm điện ảnh chất lượng. Khi quay về công chiếu ở quê hương, bộ phim không chỉ mang lại cho khán giả Việt một món ăn tinh thần mới lạ mà còn để người xem đọng lại cho mình những suy nghĩ sau khi bộ phim kết thúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.