Người lao động tự chốt sổ và hủy quá trình nợ BHXH được không?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
30/06/2024 09:39 GMT+7

'Tôi thấy hiện nay còn nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), không chốt quá trình đóng cho người lao động. Vậy người lao động có thể tự làm hồ sơ chốt sổ và hủy quá trình nợ BHXH không?'.

Thắc mắc này của anh Thiên Tân, người lao động làm việc tại một công ty chuyên về xây dựng tại Q.7, TP.HCM, về việc chốt sổ khi doanh nghiệp nợ BHXH.

BHXH TP.HCM cho biết Văn bản hợp nhất số 2525 năm 2023 của BHXH Việt Nam có quy định: Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ các khoản này, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Còn trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Như vậy, người lao động có thể được chốt sổ BHXH khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH. Hiện nay, luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện không quy định việc cơ quan BHXH được phép hủy quá trình tham gia BHXH bắt buộc của người lao động đối với trường hợp đơn vị nợ không đóng đủ.

Người lao động cần làm gì?

Người lao động tự chốt sổ và hủy quá trình nợ BHXH được không?- Ảnh 1.

Người lao động làm hồ sơ tại cơ quan BHXH TP.HCM

P.T.N

Người lao động cần yêu cầu người sử dụng lao động đóng các khoản BHXH đúng quy định, tránh ảnh hưởng quá trình tham gia của người lao động.

Trường hợp công ty không thực hiện, người lao động cần báo ngay cho ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc liên đoàn cấp quận/huyện để nhận được sự trợ giúp.

Người lao động có thể gửi đơn khiếu nại người sử dụng lao động hoặc khởi kiện người sử dụng lao động tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

9 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp từ 1.7

Theo điều 15 Nghị định 24 năm 2018 của Chính phủ, người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày), kể từ ngày thụ lý.

Nếu vượt quá thời hạn giải quyết trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định đưa ra, người lao động có thể khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 45 ngày đối với các vụ việc thông thường và không quá 90 ngày đối với các vụ việc đặc biệt.

Các cơ quan, chuyên gia cũng khuyến cáo người lao động nên chủ động theo dõi quá trình đóng BHXH của bản thân, và một trong cách tốt nhất hiện nay là sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số cho người lao động.

Kiểm tra thường xuyên ứng dụng này, người lao động có thể biết các thông tin tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ thai sản, ốm đau. Đồng thời, biết được liệu có thiếu sót gì trong quá trình đóng BHXH hay doanh nghiệp có đang đóng chậm BHXH của mình tháng nào không. Việc tự giám sát này sẽ hạn chế đáng kể các vụ việc trốn đóng BHXH kéo dài. Ngoài ra, sử dụng ứng dụng VssID cũng nhằm hướng tới thay thẻ BHYT hay sổ BHXH giấy trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.