'Tôi từng muốn vay nóng để ứng tiền cho công ty trả nợ bảo hiểm xã hội'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
09/08/2023 06:08 GMT+7

Chị T.T.N.N (35 tuổi, đang thuê trọ ở Q.12, TP.HCM) lên tiếng cầu cứu vì bị công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội. Chị nói: 'Tôi từng muốn vay nóng để ứng tiền cho công ty trả nợ bảo hiểm xã hội'.

Cụ thể, ngày 28.7, chị T.T.N.N liên hệ PV Thanh Niên trình bày việc mình bị công ty nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến chị không chốt được sổ. Theo lời kể, chị N. bắt đầu vào làm ở Công ty TNHH SX TM Dịch vụ Office 247 (trụ sở chính tại P.9, Q.3, TP.HCM, sau đây gọi tắt là công ty) từ tháng 4.2021.

Tuy nhiên, đến tháng 8.2022, công ty đột ngột thông báo tạm dừng kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc, lý do vì không còn đủ khả năng chi trả lương.

Bất ngờ biết công ty nợ bảo hiểm

Lúc này, chị N. và nhiều đồng nghiệp khác vẫn không nghĩ rằng công ty nợ BHXH bởi trong năm chị không dùng thẻ BHYT và mỗi tháng công ty đều trừ lương cho khoản đóng BHXH. Mặt khác, khi thông báo ngừng hoạt động, công ty hứa hẹn 30 ngày sau sẽ trả sổ BHXH cho người lao động.

"Nhưng sau đó, công ty đóng cửa, trả mặt bằng, giám đốc không chịu gặp mặt. Không còn dấu vết gì. Chúng tôi chỉ còn biết kêu trời, tôi điện thoại lên cơ quan BHXH thì họ nói không lấy được sổ BHXH vì công ty nợ tiền 16 tháng", chị N. kể.

Chị N. loay hoay điện thoại nhiều nơi nhờ hướng dẫn nhưng hầu như đều nghe khuyên là "đi kiện đi". Nhưng chị băn khoăn: "Mình không có học thức, kiện thế nào đây. Tôi tìm trên mạng số luật sư tư vấn, luật sư báo cần đóng 2 triệu đồng cho các thủ tục đi kiện, nhưng tôi không có tiền đóng mà cũng sợ kết quả cũng không xong".

Người lao động muốn vay nóng để bù tiền công ty nợ BHXH - Ảnh 1.

Chị N. kể công ty đóng cửa, nợ tiền tham gia BHXH cho chị 16 tháng

THU NGÂN

Chị N. còn cho biết thêm thời gian đầu, giám đốc công ty có trả lời điện thoại, tin nhắn của người lao động. Vị giám đốc đề nghị nếu chị N. có tiền thì có thể tự ứng trước cho công ty (số tiền gần 23 triệu - PV) để công ty đóng BHXH, sau đó, khi công ty có khả năng sẽ hoàn lại cho chị.

"Không chốt được sổ BHXH để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đi tìm việc ở công ty mới cũng bị từ chối với lý do "bị nợ BHXH, nếu dính vào trường hợp này sẽ rất lằng nhằng"… Tôi nghĩ nếu mình tự ứng tiền cá nhân cho công ty đóng khoản nợ BHXH thì chí ít vẫn giữ được mấy năm tham gia BHXH trước đây, nhưng lấy đâu ra tiền. Thế nên tôi mới tính đi vay nóng 23 triệu. Nhưng tôi thấy tiền lãi vay lớn, tôi không đủ sức trả nên mới thôi", chị N. chia sẻ.

Loay hoay tìm giúp đỡ 

Suốt 1 năm kể từ khi công ty ngừng kinh doanh, công việc của chị N. bấp bênh, ai kêu phụ việc gia đình ở đâu thì chị làm ở đó. Còn chồng chị chạy xe ôm, hai tháng trước, chồng chị bị tai nạn giao thông phải nghỉ việc, thế nên mọi việc trong gia đình chị phải gồng gánh.

"Con tôi lại bị bệnh tim, sức khỏe kém… Là dân lao động phổ thông, ở trọ, gia cảnh khó khăn nên mới tiếc số tiền đã đóng BHXH. Tôi chỉ mong mình được chốt sổ tới thời điểm đã đóng đủ để giữ được các năm đã đóng trước. Tôi định rút BHXH 1 lần, cũng được mấy chục triệu đồng, tôi có thể xoay xở thuốc thang cho gia đình rồi sau đó mới tính chuyện tham gia BHXH tiếp. Giờ không chốt được sổ, tôi sợ cũng không công ty nào chịu nhận tôi vào làm", chị N. cho hay.

Đến tháng 7.2023, chị N. tiếp tục điện thoại đến Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM để nhờ trợ giúp. Công đoàn TP.HCM cho biết với trường hợp của chị N., cần xác định được công ty còn hoạt động hay không. Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ hỗ trợ người lao động khởi kiện theo quy định của pháp luật

"Tôi định viết đơn trình báo đến Liên đoàn Lao động Q.3 và chính quyền địa phương để xác minh công ty còn hoạt động hay không, nhưng cũng lưỡng lự vì nhiều đồng nghiệp của tôi đã đi cầu cứu nhiều nơi mà không thành", chị N. nói.

Người lao động muốn vay nóng để bù tiền công ty nợ BHXH - Ảnh 2.

Chị N. từng định vay nóng lấy tiền bù vào khoản công ty nợ BHXH để giữ được các năm đã đóng BHXH trước đó

THU NGÂN

Xác minh tình trạng doanh nghiệp

Sau phản ánh của chị N., PV Thanh Niên liên hệ làm việc BHXH TP.HCM. Ngày 8.8, BHXH Q.3 cho biết Công ty TNHH SX TM Dịch vụ Office 247 có tham gia BHXH cho chị T.T.N.N từ tháng 4.2021 đến tháng 8.2022 với mức lương 5 triệu đồng (trong đó, tháng 8.2021, chị N. nghỉ không hưởng lương).

Phía công ty đã báo giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH nhưng chưa đóng BHXH đầy đủ cho người lao động. Tính đến cuối tháng 7.2023, công ty chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ tháng 1.2021 với số tiền hơn 509 triệu đồng.

Đồng thời có 17 trường hợp người lao động chưa được xác nhận hoặc xác nhận chưa đầy đủ quá trình tham gia BHXH do công ty chậm đóng, trong đó có trường hợp của chị T.T.N.N.

Theo BHXH Q.3, trong năm 2022, cơ quan BHXH đã lập biên bản làm việc với công ty và yêu cầu công ty trích nộp BHXH hằng tháng theo đúng quy định. Công ty này cũng bị thanh tra và sau đó bị xử phạt vi phạm hành chính (theo quyết định của UBND TP.HCM) về hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền xử phạt hơn 93 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa thực hiện trích nộp số tiền chậm đóng BHXH và không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP.HCM.

Trong quá trình đôn đốc công ty thực hiện kết luận thanh tra của BHXH TP.HCM và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP.HCM, BHXH Q.3 không liên hệ được với công ty.

Ngày 29.7.2023, BHXH Q.3 đề nghị UBND P.9, Q.3 xác nhận tình hình hoạt động công ty. Ngày 1.8, UBND P.9, Q.3 có văn bản xác nhận công ty này không còn treo biển hiệu, không có dấu hiệu hoạt động tại trụ sở đăng ký chính.

Chốt sổ cho người lao động đến thời gian đã đóng đủ

PV Thanh Niên cũng đặt câu hỏi liệu "có phương án nào cho trường hợp chị N. được chốt sổ BHXH nhằm để người lao động thực hiện các quyền lợi liên quan không ?", BHXH Q.3 cho hay theo quy định tại Quyết định 922 của BHXH Việt Nam về quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, BHYT có nêu rõ:

"Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Chính vì vậy, cơ quan BHXH Q.3 xác nhận quá trình tham gia BHXH cho chị T.T.N.N đến hết tháng 12.2020; thời gian từ 1.2021 chưa được xác nhận do công ty chưa đóng BHXH.

Ngày 24.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết tình hình chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Trong các giải pháp, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp BHXH TP.HCM thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị. Đồng thời, đề nghị xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT theo điều 216 bộ luật Hình sự; hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền theo tiến độ.

Yêu cầu này của UBND TP.HCM xuất phát từ thực trạng nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM không có chiều hướng kéo giảm. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 82.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 6.222 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h: Đường dây ép con nợ thế chấp hình nhạy cảm


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.