Người lớn làm tổn thương người trẻ

23/04/2012 03:35 GMT+7

8/10 vị phụ huynh mà tôi từng tiếp xúc cho rằng: “Bọn trẻ bây giờ rất hư!”. Trong đó 8/8 vị cho biết trẻ hư do internet, trò chơi điện tử, bạn bè ảnh hưởng... Không có ý kiến nào trả lời “do người lớn”. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi lại nhận ra rằng: giới trẻ đang có một cái nhìn tổn thương về người lớn.

8/10 vị phụ huynh mà tôi từng tiếp xúc cho rằng: “Bọn trẻ bây giờ rất hư!”. Trong đó 8/8 vị cho biết trẻ hư do internet, trò chơi điện tử, bạn bè ảnh hưởng... Không có ý kiến nào trả lời “do người lớn”. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi lại nhận ra rằng: giới trẻ đang có một cái nhìn tổn thương về người lớn.

Trong một buổi chuyên đề về đạo đức, một em học sinh (Q.10, TP.HCM) hỏi tôi rằng: “Nhà trường thường xuyên dạy chúng em về tính trung thực, phải biết vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng trong thực tế sao em lại thấy có quá nhiều người lớn không trung thực nhưng vẫn thành đạt?”. Hôm khác, khi tư vấn cho một em hơi “quậy” ở Đồng Nai, tôi hỏi về bố mẹ, gia đình, em phán một câu xanh rờn: “Ổng bả thì biết gì về con cái, ổng bả chỉ biết lo đi kiếm tiền thôi thầy ơi”. Dù đã nghe câu này đến mươi lần rồi nhưng lòng tôi vẫn buồn rười rượi. Đối với nhiều đứa trẻ, tình yêu và những giây phút ấm áp gia đình thật sự là những món hàng xa xỉ…

Một hôm, khi đang dạy cho học sinh toàn trường phải biết trả lại của rơi, một em giơ tay thật cao: “Thầy ơi, em thấy trên báo người ta nói có người đi đường đánh rơi cả giỏ tiền hay xe tải bị lật rơi ra hàng hóa, người lớn ùn ùn kéo nhau đến hôi của mà có bị làm sao đâu”. Hôm nọ, khi vừa kết thúc buổi dạy, cậu sinh viên mới ra trường (cũng thuộc loại cận giỏi), điện thoại tâm sự: “Nản quá thầy ơi, em đi xin việc làm, muốn có một chân dạy trong trường cấp 3 ở quận 8 phải lo 200 triệu đồng, còn nếu chịu khó về Nhà Bè chỉ 50 triệu thôi! Giờ em nên chọn ở đâu thưa thầy?”. Tôi chẳng biết phải nói gì ngoài việc giới thiệu với em một thầy hiệu trưởng mà tôi thân thiết (mặc dù làm vậy tôi biết mình sai khi vô tình dạy em “nhất thân nhì thế”).

Bức tranh đạo đức xã hội đan xen cả hai mảng sáng và tối. Có lẽ do đặc trưng nghề nghiệp nên tôi mới gặp quá nhiều mảng tối. Tự an ủi mình như thế nhưng tôi không thể chối bỏ những thực tế trái ngược với đạo lý đang hiển hiện từ gia đình, nhà trường, công sở và ngoài xã hội đã gây ra những phản cảm nặng nề đối với lớp trẻ, làm họ mất niềm tin vào giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Thạc sĩ NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.