Những lần ra Bắc, tôi may mắn được gặp gỡ vài nhân vật ấn tượng, trong đó có họa sĩ Nguyễn Linh. Nói ấn tượng ở đây, theo chủ quan và cách riêng của tôi, bởi mấy nguyên nhân:
Nguyễn Linh "giỏi nghề" đến mức tôi nghĩ, khó ai có thể vượt anh. "Nghề" ở đây không chỉ được học về mỹ thuật một cách bài bản mà anh đã hướng tâm hay "tu nghiệp" căn cơ trên mỗi giai đoạn đời mình. Không lúc nào anh bớt suy tư hay thực hành về nó.
Anh đã vẽ một cách "cô đơn sáng tạo", không cần chia sẻ hay có "cơn cớ" bày tranh, triển lãm. Vẽ như những nhận thức vụt hiện trong cái vô thường từng ngày tan rã. Tôi bỗng nhớ câu "Ai cho ta miếng bọt biển để ta xóa hết các chân trời?" (Nietzsche). Thay miếng bọt biển bằng màu sắc, mệnh đề của triết gia Nietzsche càng lộng lẫy thêm bao nhiêu...
Và những bọt biển, những màu, những tranh của Nguyễn Linh mở ra giữa thực tại làm tôi choáng. Tôi đã từng bỏ một ngày để chỉ xem tranh của anh trong một căn nhà chỉ dành riêng cho tranh.
Và "kinh dị" đến mức tranh xếp tầng tầng lớp lớp ép sát vào nhau như ken ngói. Không một khoảng trống nào không bị (được) tận dụng để chứa tranh.
Linh vẽ như chế ngự những cơn điên màu. Không được chậm trễ và sợ bị bỏ rơi. Anh luôn ý thức mình là một họa sĩ chứ không phải ngài chủ tiệm ăn hay một tên gangster cưỡi trên những con mô tô to vật, dềnh dàng khủng khiếp...
Nguyễn Linh luôn cho mọi người cảm giác anh rất an toàn bệ vệ trong bộ cánh khổng lồ nhưng lại tạo hiệu ứng ngược cho tôi. Anh như nhân vật của nhà văn hiện sinh Frank Kafka một sớm ngủ dậy thấy mình phình to với bộ dạng khác lạ, người mọc cánh cứng, thêm nhiều râu sừng đã "hóa thân" thành gián. Sự run rẩy trong tâm hồn ấy chính là tín hiệu bản năng của người nghệ sĩ còn sót lại. Và chứng tỏ Nguyễn Linh trong bộ cánh dị thường lại vô cùng yếu ớt trước đường bay nghệ thuật. Ở nghĩa khác, tranh anh vẽ như chống lại xâm thực của thời gian trong mỗi sát-na bạc của từng cọng râu trên gương mặt ngỡ bất cần trước tê liệt thời gian...
Vẽ phố, vẽ chèo, tuồng cổ một cách dân dã, hồn nhiên
Họa sĩ Nguyễn Linh vẽ tranh trước hết là vì đam mê, sau đó mới kể tới tìm tòi một phong cách thể hiện. Và anh khác nhiều kẻ cầm cọ khác ở chỗ chưa bao giờ thúc bách vẽ vì tiền hay để kiếm tiền. Chỉ riêng điều đó anh cũng đã là "người lữ hành kỳ dị". Anh mê hội họa như yêu chính bản thể mình.
Còn nhớ, buổi sáng nọ, anh Nguyễn Linh mời tôi và nhà phê bình nghệ thuật, dịch giả Phạm Long đi ăn phở ở gần phố Nhà Thờ. Sau đó tôi ngờ ngợ ngõ phố đẹp này ẩn trong tranh anh. Cũng đồng nghĩa như thế, đề tài cho tác phẩm anh là thế giới trực quan sinh động qua đôi mắt và cảm xúc đã vụt hiện trên màu sắc.
Anh vẽ phố, vẽ chèo, tuồng cổ một cách dân dã, hồn nhiên. Các chân dung văn nghệ sĩ từ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Dương Tường, Lương Xuân Đoàn... đẹp và thực đến nỗi như những ghi chép người thường, đời thường hình họa. Nhưng không dừng ở đó, các đề tài thiếu nữ, khỏa thân, thiên nhiên, các bút pháp tách bỏ sự hợp lý tìm đến cái phi lý như siêu thực, trừu tượng, dã thú..., cây cọ Nguyễn Linh đều săm soi hướng đến.
Gia tài tranh đồ sộ chất đầy nhà của anh cho thấy nỗi đam mê khủng khiếp và một sức làm việc ghê gớm mà không phải họa sĩ nào cũng may mắn có được.
Nhưng rồi tôi cũng thấy hơi lo lo, không hiểu nếu triển lãm hết toàn bộ tranh Nguyễn Linh với đủ loại kích cỡ, chất liệu..., với hàng ngàn bức, không chừng cả chục cuộc còn chưa đủ. Vậy đợt ra mắt đầu tiên tại TP.HCM lần này anh sẽ chọn những bức nào để cho khán giả yêu nghệ thuật, yêu tranh thưởng thức? Với suy nghĩ thúc hối tò mò có thật ấy, tôi cũng đang háo hức chờ đợi...
Bình luận (0)