Người mang họ Hồ: Tộc người chỉ có tên, quên họ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/06/2022 12:12 GMT+7

Kể từ sau ngày 16.6.1957, người Vân Kiều ở khu vực bắc miền trung mang họ Hồ, họ của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh . Đã 65 năm qua, có quá nhiều đổi thay trong đời sống của đồng bào Vân Kiều.

Người Vân Kiều từ bao đời đã sống trong những bản làng xa ngái dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Họ mặc váy, đóng khố, ở trần, chan hòa giữa cỏ cây, muông thú và gìn giữ nếp nhà sàn của mình.

Rất nhiều truyền thuyết về sự ra đời của tộc người này, trong đó có chuyện ngày xửa ngày xưa, khi trái đất chỉ là chốn chết chóc hoang sơ lạnh lẽo, chưa có vạn vật, từ trên trời rơi xuống khúc gỗ và con giun khổng lồ. Sau một thời gian, khúc gỗ bị con giun ăn cho tơi mục. Lúc này, đất mới hình thành. Nhưng do giun ăn không đều nên mặt đất ngày nay mới có nơi bằng phẳng, nơi nhấp nhô những đồi núi, khe suối.

Sau đó, cũng từ trên trời rơi xuống một quả bầu. Từ trong quả bầu lần lượt bước ra không biết bao nhiêu con người, nhỏ to, đen trắng và chia nhau đi về mỗi hướng, lập nên nhiều đất nước, nhiều dân tộc khác nhau. Trong đó, có đôi trai gái sớm kết duyên, rồi người con trai tiếp tục đi về phía biển, cô gái ở lại núi rừng để sinh cơ lập nghiệp. Những người con của đôi trai gái này sinh ra thành người Vân Kiều… Với người Vân Kiều, dù ở miền xuôi hay miền ngược, là Vân Kiều hay Kinh đều được sinh ra và lớn lên từ một “quả bầu”, là anh em ruột thịt với nhau.

Người Vân Kiều có ngôn ngữ là tiếng Bru, nhưng điểm kỳ lạ của đồng bào Vân Kiều chính là việc có tên nhưng họ thì rất mờ nhạt hoặc bị… lãng quên theo thời gian. Trong nhiều lần “lang thang” dọc bản làng miền tây Quảng Trị, người viết cũng thường chỉ nghe dân bản gọi nhau bằng tên, thậm chí cái tên đó không phải là của người đó. Già làng Hồ Ray (xã A Bung, H.Đakrông, Quảng Trị) cho hay người Vân Kiều chỉ gọi nhau bằng một cái tên nào đó, khi có con thì lại gọi theo tên con, với những từ như “pả” (bố), “pỉ” (mẹ). “Ví dụ như Pả Xi có nghĩa là “bố của Xi”, Pỉ Thơm có nghĩa là “mẹ của Thơm”. Trong bản, người nào bà con với nhau thì bà con đều biết, nhưng họ gì thì… bà con quên rồi”, già Ray nói.

Người Vân Kiều ở xã vùng cao Tà Rụt (H.Đakrông, Quảng Trị) mở hội

NGUYỄN PHÚC

Cơ duyên được mang họ hồ

Xung quanh câu chuyện người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác Hồ có khá nhiều “điển tích”. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ của H.Quảng Ninh và lịch sử Đảng bộ H.Lệ Thủy (Quảng Bình), phần lớn ghi lại dấu mốc đó là năm 1946.

Theo nhiều cán bộ lão thành ở H.Lệ Thủy (Quảng Bình), vào kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946, tổ điều tra cử tri ở các xã miền tây Lệ Thủy gặp khó khăn khi phần nhiều người Vân Kiều ở đây chỉ có tên mà không có họ. Vì thế, nhiều cán bộ trong tổ điều tra cử tri đã đưa ra ý tưởng là lấy họ Hồ của Bác Hồ để ghi vào trước tên của những người Vân Kiều chưa có họ và được đồng bào nhất loạt ủng hộ. Nhiều người còn tỏ ra phấn khích khi được mang họ của vị cha già dân tộc. Thế là người Vân Kiều ở miền tây Lệ Thủy thời điểm đó được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đi bầu cử.

Tôi thường hướng mắt vào ảnh Bác Hồ để nhắc nhở bà con rằng ở nơi nào đó, Bác vẫn dõi theo đồng bào Vân Kiều, những người mang họ của Bác. Vì thế, bà con hãy tự bảo ban nhau, đùm bọc nhau, đừng làm gì hổ thẹn với thần núi, thần sông, đừng nghe theo người ngoài mà đi học cái xấu, đi làm cái xấu

Già làng Hồ Ăm Thăm (bản Khe Đá, TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa, Quảng Trị)

Trong khi đó, lịch sử Đảng bộ H.Hướng Hóa (Quảng Trị) lại ghi nhận câu chuyện khác. Ngày 26.6.1946, được Mặt trận Liên Việt tổ chức, các già làng tụ họp dưới chân núi Coc Tăng, làm lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ của Bác Hồ làm họ chung cho cả 2 dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Trong thẻ cử tri của mình, lần đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều mang họ Hồ.

Nhưng có lẽ thời khắc để người Vân Kiều đồng loạt mang họ Bác phải nhắc đến sự kiện ngày 16.6.1957, ngày Bác Hồ vào thăm Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh. Khi hay tin Bác Hồ về thăm, đồng bào Vân Kiều ở miền tây Quảng Bình - Quảng Trị đã tìm đến xin gặp Bác, bày tỏ nguyện vọng được mang họ Hồ và được Bác đồng ý.

Tháng 6 năm nay, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình với quy mô lớn. Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đánh giá đây là sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ. Sự kiện cũng giúp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ghi nhận những tình cảm thiêng liêng của bà con đồng bào các dân tộc, đặc biệt là bà con Bru - Vân Kiều đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu. “65 năm qua, đồng bào Vân Kiều ở Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung đã đổi thay rất nhiều khi mang họ Bác, học theo tấm gương của Bác”, ông Phong nói.

Già làng Hồ Ăm Thăm luôn treo ảnh Bác Hồ trong nhà sàn như bao người Vân Kiều khác

NGUYỄN PHÚC

Treo ảnh bác trong mỗi gian nhà sàn

Với niềm tự hào mang họ người cha già dân tộc, bên trong các nóc nhà sàn ở miền tây Quảng Bình - Quảng Trị đều có treo ảnh Bác Hồ ở những vị trí trang trọng. Họ nhìn Bác mỗi ngày để tự nhắc mình sống sao cho xứng đáng với niềm tin yêu của Người.

Ông Hồ Văn Mười (tức Pả Hiền, sống ở bản 4, xã Thuận, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) treo ảnh Bác Hồ trong gian chính để không quên ngày dân tộc mình mang họ Bác, và với ông đó là niềm vinh dự. “Tôi cũng như dân bản nhờ tin theo Đảng, Bác Hồ mà giờ ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Bản làng giờ cũng đổi thay với điện đường trường trạm, con cháu được học hành đến nơi đến chốn”, Pả Hiền nói.

Già làng Hồ Ăm Thăm (bản Khe Đá, TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa), người gắn đời mình với việc bảo vệ cột mốc biên cương R2 606 ở biên giới Việt - Lào, cũng luôn đặt ảnh Bác Hồ chính giữa bức tường gỗ. Trên bức tường gỗ này, ông cũng treo chi chít bằng khen, giấy khen được Nhà nước, chính quyền trao tặng cho những gì mà ông đã đóng góp. “Bà con dân bản vẫn lui tới nhà sàn của tôi để nhờ phân xử nhiều vụ tranh chấp. Tôi thường hướng mắt vào ảnh Bác Hồ để nhắc nhở bà con rằng ở nơi nào đó, Bác vẫn dõi theo đồng bào Vân Kiều, những người mang họ của Bác. Vì thế, bà con hãy tự bảo ban nhau, đùm bọc nhau, đừng làm gì hổ thẹn với thần núi, thần sông, đừng nghe theo người ngoài mà đi học cái xấu, đi làm cái xấu”, già Thăm chia sẻ. (còn tiếp)

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Bru - Vân Kiều (còn gọi là người Bru, người Vân Kiều) có 227.716 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tộc người này tập trung ở Quảng Trị (55.079 người, chiếm 73,9% tổng số người Bru - Vân Kiều tại Việt Nam), Quảng Bình (14.631 người, chiếm 19,6%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.