Nhắc lại một chút lịch sử giải U.21 Thanh Niên để thấy trước những năm 2009, 2011 bóng đá Bình Dương gần như không có đào tạo trẻ tốt. Những lớp năng khiếu đa phần chỉ duy trì theo thời vụ theo kiểu "được chăng hay chớ" và nguồn cầu thủ tại chỗ bổ sung cũng rất khan hiếm tài năng. Những trường hợp đáng kể khi dự giải U.21 năm 2003 chỉ có trường hợp Anh Đức là nổi bật, còn lại như Vương Tiểu Đạt, Nguyễn Trí Trọng cũng chỉ bật lên một thời gian rồi thôi.
Nguyễn Tiến Linh là "sản phẩm" đào tạo chất lượng của Bình Dương |
VFF |
Nhưng từ khi ông Hồ Hồng Thạch được Tổng công ty Becamex IDC giao làm lại bóng đá trẻ song song với chủ trương thành lập đội TDC Bình Dương, bóng đá đất Thủ đã gây được tiếng vang. Khi đó, ông Hồng Thạch đã âm thầm phối hợp với ngành TDTT tỉnh xây dựng đầu tư các tuyến trẻ để rồi khi nhận đăng cai 2 giải U.21 quốc gia năm 2009 và 2011, Bình Dương giành ngôi á quân với một loạt các cầu thủ trẻ do mình đào tạo đi đúng hướng như thủ môn Lâm Ấn Độ, trung vệ Nguyễn Chí Huynh, tiền vệ Nguyễn Đình Lợi cũng như tiền vệ Hoàng Ngọc Hùng.
Từ đó ông Thạch được xem là “người mát tay” của bóng đá trẻ Bình Dương và bắt đầu làm căn cơ cho các tuyến trẻ một cách lâu dài. Suốt gần 5 năm từ 2011 đến 2016 được sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên môn như Đặng Trần Chỉnh, Trương Văn Dũ, Nguyễn Minh Dũng, Nguyễn Đại Ninh, Trần Tấn Thông, lứa trẻ của Bình Dương đã chứng tỏ được đẳng cấp khi bước ra sân chơi quốc gia một cách mạnh mẽ như Trương Dũ Đạt, Tống Anh Tỷ, Nguyễn Trọng Huy, Trần Duy Khánh, có người còn nhanh chóng đứng vào hàng ngũ đội tuyển như Nguyễn Tiến Linh.
Ông Hồ Hồng Thạch (thứ 2 từ trái) trong buổi họp báo ra mắt trận đấu với Kawasaki của Nhật Bản |
Kiên trì làm trẻ kiên quyết không chạy theo thành tích như có thời Bình Dương được gọi là “Chelsea Việt Nam”, ông Thạch vẫn đang miệt mài xây dựng đội bóng V-League một cách bài bản, trẻ hóa lực lượng khi thường xuyên có 4-5 gương mặt trẻ do chính mình đào tạo trong đội hình xuất phát. Về lâu dài, Bình Dương cũng đã mời ông Nguyễn Quốc Tuấn, HLV trưởng tuyển U.17 Việt Nam về làm giám đốc kỹ thuật bóng đá trẻ để đào tạo cung cấp bổ sung nguồn lực lượng kế thừa.
HLV trưởng U.17 Việt Nam Nguyễn Quốc Tuấn làm giám đốc kỹ thuật bóng đá trẻ Bình Dương |
VFF |
Ông Thạch cũng là người luôn tạo cơ hội cho các đội tuyển quốc gia, U.23, U.20 về tập huấn và thi đấu ở Bình Dương trước các giải thi đấu quốc tế lớn, sẵn sàng nhận đăng cai các giải U.21, U.19 quốc gia, quốc tế thường xuyên hay U.15 quốc gia cách đây 3 năm. Ông Thạch cũng đã hiến kế cho VPF nên chủ động cùng các CLB xây dựng kế hoạch tiếp thị, phân chia bản quyền truyền hình cũng như hành xử một cách chuyên nghiệp khi giải tạm dừng như mùa rồi để không làm thiệt hại các bản hợp đồng đã ký và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đôi bên.
“VPF có thể thành lập ban đàm phán với đối tác mời các đại diện CLB cùng tham gia để chung tay cùng giải quyết các bản hợp đồng đã ký trên tinh thần đồng cảm và chia sẻ với khó khăn chung của tình hình thực tế đất nước Việt Nam, để nếu được thì tiếp tục duy trì tiếp hợp đồng cho mùa giải sau còn không thì cũng kết thúc một cách vui vẻ, không để xảy ra những hệ lụy không hay.
Bóng đá còn dài lắm, VPF không nên chỉ đưa ra khó khăn của riêng mình. Mỗi CLB cũng phải đối mặt với khó khăn đàm phán với từng nhà tài trợ. Chúng tôi cũng phải đưa ra các giải pháp để cân đối bù đắp quyền lợi cho họ. Thiệt thòi, không chỉ riêng VPF nên cũng phải tạo sự đồng thuận với các CLB để chung tay giải quyết một cách thấu đáo, có tình có lý nhất", ông Thạch khẳng định.
Ông Hồ Hồng Thạch kiên trì mục tiêu trẻ hóa |
Khả Hòa |
Với những hỗ trợ đầu tư tích cực và có tiếng nói vì tương lai bóng đá trẻ cũng như chung sức xây dựng V-League tốt, nên Bình Dương không chỉ là đội bóng có tiềm lực lâu dài, ổn định nhất ở phía Nam mà còn có sự đóng góp hữu hiệu với cho sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)