Nhìn thấy con trai khỏe mạnh lên từng ngày, chị Nguyễn Thị Bích Lại (36 tuổi) nghẹn ngào vì dường như mình đã “sinh con ra lần nữa”. Sau hai lần dùng da mình ghép cho con, sức khỏe của chị Lại yếu đi phần nào nên đã về quê Phú Yên để dưỡng sức. Trò chuyện qua điện thoại, chúng tôi cảm nhận rõ lòng chị vẫn như lửa đốt mỗi khi nhắc về vết bỏng của con trai.
Lúc nguy kịch vẫn nghĩ đến hai em
Nói về ngày “định mệnh” ấy, chị Lại cho biết sáng đó hai vợ chồng đi rẫy, ở nhà có ba anh em. Doan lấy than nhóm lửa để nấu đồ ăn nhưng không cháy nên dùng xăng để mồi, bất ngờ cả can xăng bùng cháy hừng hực. Trong giây phút sinh tử, Doan liều mình ôm can xăng đang cháy chạy vào nhà tắm. Em sợ lửa bắt sang bình gas gần đó sẽ cháy luôn nhà bếp, ảnh hưởng đến 2 em đang ở phòng kế bên.
|
Em Lưu Thị Kim Yến (14 tuổi), em gái Doan nhớ lại: “Lúc nghe anh ở dưới bếp la lên thì em liền chạy xuống, thấy người anh toàn lửa. Em hoảng quá chỉ nhớ lấy điện thoại gọi cho ba mẹ rồi nói “cháy nhà, cháy nhà”. “Lúc vợ chồng tôi về là nó đã được hàng xóm dập lửa rồi quấn chăn nằm im ru ngoài đường. Tôi tưởng nó chết rồi nên vừa khóc vừa nói “con đừng bỏ mẹ đi”. Nào ngờ con cử động rồi thều thào được vài câu, lúc đó tim mình như vỡ ra”, chị Lại kể.
Gia đình tức tốc đưa Doan lên bệnh viện tỉnh rồi chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm. Sau khi nhập viện 2 tháng thì em có thể nhận da ghép từ người thân để vết thương phục hồi. “Hôm nào con ngủ được thì mình an tâm, hôm nào con sốt, vết thương chảy máu thì hai vợ chồng không ăn uống gì được, chỉ biết xuống sân ngồi khóc để con không thấy”, anh Lưu Minh Hiển (41 tuổi), ba Doan nhớ lại.
Bác sĩ Phạm Phước Tiến, điều trị cho Doan nói khi mới chuyển vào Chợ Rẫy, Doan bỏng 76%, sâu 50% và trong tình trạng sốc bỏng. “Đây là trường hợp bỏng nặng, số người qua khỏi không nhiều. Tuy nhiên, qua 6 ca phẫu thuật, trong đó có 3 lần nhận da ghép từ mẹ và cậu, vết bỏng của Doan đang được làm lành và sức khỏe cũng dần hồi phục”, bác sĩ Tiến nói.
Cách nay vài tuần Doan được cho xuất viện về nhà để dưỡng bệnh nhưng vì thời tiết miền Trung khá lạnh, mưa bão liên miên dẫn đến vết thương làm mủ, sưng đỏ nên gia đình chuyển em vào Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tiếp.
Chịu đau để con được sống tiếp
Chúng tôi đến thăm Doan lúc em đang cử động tay và chân một cách khó nhọc để cơ thể mau lấy lại sức. Em cho biết vết thương không còn đau rát nhiều, chỉ có tay chân là nhức không ngủ được. Doan tâm sự: “Sau chuyện lần này chắc chắn sức khỏe em không còn được như trước nên cũng chưa biết tương lai làm gì để có thể báo hiếu cho cha mẹ. Hiện tại em chỉ biết cố gắng tập vận động, chiến đấu bằng ý chí vì cha mẹ, vì hai đứa em, vì người cậu đã cho da mình. Gần tới đích rồi mình đâu thể bỏ cuộc được!”.
|
Gia đình Doan ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ, H.Tuy An, Phú Yên. Cha mẹ em quanh năm suốt tháng lo làm rẫy, đồng thời làm thuê nuôi con ăn học. Em là con lớn trong nhà, được mọi người nhận xét là hiền lành, hiếu thảo và đặc biệt là vô cùng thương 2 em.
Nói về vợ mình, anh Hiển cho biết: “Lại là người phụ nữ mạnh mẽ, chịu thương chịu khó và luôn chu toàn mọi việc trong nhà. Lúc xảy ra chuyện, cô ấy cũng là người bình tĩnh nhất để đưa con đi viện và lo mọi giấy tờ thủ tục, đồ đạc cho con trai”. “Lúc bác sĩ bảo cần da từ người thân để ghép cho con, mình đi xét nghiệm liền nhưng bị viêm gan nên không đủ điều kiện, vậy đành phải lấy da từ mẹ nó. Mình thấy vợ ốm yếu mà lại đau rát vì vết da lấy nên đau lòng lắm nhưng chẳng thể làm gì khác được”, anh Hiển ngậm ngùi.
Chị Lại nghẹn ngào: “Lúc phẫu thuật xong thì mới biết nhức và đau rát, cơ thể không còn chút sức lực nào nhưng nghĩ đến việc con đã có da của mẹ để sống tiếp là mọi cơn đau đều biến mất”.
Chỉ cần cháu mình được sốngSau hai lần nhận da ghép từ mẹ, Doan vẫn cần thêm da, anh Nguyễn Thành Duy (23 tuổi), cậu ruột của Doan ngoài quê chủ động bắt xe vào TP.HCM để dùng da mình cứu cháu vì gia đình Doan không còn ai đủ điều kiện để lấy da. “Hai cậu cháu gần bằng tuổi nhau nên ở nhà chơi thân như bạn bè vậy. Mình quyết định đi ngay chứ không nghĩ ngợi gì nhiều”, anh Duy chia sẻ.
|
Bình luận (0)