Những clip về chuỗi ngày đồng hành cùng các con của chị Trương Thị Hồng Phượng (ngụ H.Chư Sê, Gia Lai) nhận rất nhiều lượt tương tác, chia sẻ, động viên trên mạng xã hội.
NỖI BUỒN CỦA MẸ
Năm 2017, chị Phượng sinh non 2 bé Khôi - Nguyên. Mỗi bé nặng 1 kg, nhỏ như cổ tay, được gửi từ Gia Lai vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chăm sóc hồi sức sơ sinh với đủ loại bệnh: nhiễm trùng máu, xuất huyết não, xơ gan, xơ phổi, mắt bong võng mạc, gan ứ mật…
Nhìn 2 con qua tấm ảnh do người nhà chụp vội với dây nhợ chằng chịt, chị như đứt từng đoạn ruột. Cả nhà xuống TP.HCM tìm thuê nhà trọ, xin từng giọt sữa mẹ mang vào viện cho con. Sau 4 tháng mới ra khỏi lồng kính, Khôi - Nguyên vào ca mổ mắt đầu tiên. 4 tháng sau đó là ca mổ mắt thứ hai… Viện phí ngót nghét 200 triệu đồng mỗi đợt, gia đình may mắn được anh chị em trong nhà cho mượn, nhà hảo tâm giúp thêm đỡ đần.
5 năm đầu đời, cả nhà quen thuộc với các chuyến xe Gia Lai - TP.HCM với hy vọng tìm ánh sáng cho 2 chàng trai nhỏ, nhưng vô vọng.
Chị kể từ ngày sinh 2 bé, đứa con đầu cũng mới 18 tháng tuổi phải gửi chị chồng chăm sóc giúp. "Cú sốc này quá lớn. Khi đó tôi 24 tuổi, chỉ biết khóc, kêu trời sao khổ đến vậy, tập cho con bú từng ml sữa, con nhỏ xíu nhưng mổ liên miên… Đó là những ngày tôi ăn cơm chan nước mắt, không nói chuyện với ai, chỉ lủi thủi chăm con. Gia đình ở bên cạnh động viên, dần dần mới nguôi ngoai", chị nhớ lại.
Hai năm trước, bác sĩ báo mắt con không thể chữa trị, chị ngã quỵ. Gần đây, vừa chăm con chị vừa tìm tòi bán thêm vé máy bay online. Nói chuyện với khách hàng nhiều, chị mới tự mình vượt qua cú sốc thêm lần nữa.
VỰC DẬY VÌ CON
Năm 2015, tốt nghiệp đại học, chị Phượng cưới chồng. Chị có bầu bé đầu sau đám cưới, ốm nghén nặng, nghỉ ở nhà đến ngày sinh. 6 tháng sau, hành trình thai đôi tiếp tục… một trang khác của cuộc đời mở ra.
7 tuổi, 2 đứa trẻ sinh đôi chỉ ăn cháo, khóc gắt không ai dỗ được, mắt không nhìn thấy. "Mỗi sáng, chở con lớn đi học xong về tôi nấu cháo cho Khôi - Nguyên, ngày 4 lần cháo, 2 - 3 tiếng lại uống sữa, tắm giặt, dọn dẹp, chơi cùng con. Các bé chưa bao giờ ngủ xuyên đêm mà hay dậy khóc như những đứa trẻ còn trong tháng. Tôi cũng chưa bao giờ có thể ngủ 6 tiếng xuyên đêm", chị tâm sự.
Gần đây, chị tập dùng mạng xã hội livestream bán hàng đến 1 - 2 giờ sáng. Tổng thu nhập từ bán hàng và vé máy bay online khoảng 5 - 6 triệu mỗi tháng, vừa đủ tiền chợ. Còn bỉm, sữa, thuốc điều trị cho con phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương tài xế của chồng.
Bà Tạ Thị Thu (50 tuổi, mẹ chị Phượng) sau cả ngày làm rẫy, tối đến sang phụ trông hai đứa trẻ để chị Phượng livestream bán hàng. Nhìn con gái kiệt sức, bà xót lòng: "Thời tôi sinh con chỉ 1 năm con biết đi đứng là khỏe, còn đây, con gái tôi phải chăm con của nó đến 7 năm vẫn như những đứa trẻ trong tháng.
Nhìn con, nhìn cháu mà đau lòng. Khóc hết nước mắt, chăm 1 đứa trẻ đã khó, đây là hai đứa, lại còn không bình thường, khổ lắm".
7 năm qua, chị quanh quẩn ở nhà cùng những đứa trẻ, hạnh phúc vỡ òa của người mẹ trẻ là khi ôm Khôi - Nguyên mà con có phản xạ ôm lại. Hạnh phúc hơn nữa là lúc hai anh em vịn tường để đứng dậy.
Người mẹ trẻ cất lại ước mơ của cuộc đời mình vì khát khao nghe con gọi "Mẹ ơi"
Hành trình làm mẹ của chị Phượng vẫn tiếp tục với những chuyến xe Gia Lai - TP.HCM để thăm khám, điều trị động kinh cho Khôi - Nguyên… Dù nhiều lần bất lực, chỉ còn 0,01% hy vọng, người mẹ trẻ cũng quyết không bỏ cuộc vì khao khát nghe con gọi "Mẹ ơi".
Bình luận (0)