Lộc bình được làm từ mai vàng
Đến vườn hoa kiểng của anh Nguyễn Minh Hiệp (32 tuổi, ngụ xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách, Bến Tre), nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những cây mai nhỏ được quấn thành lộc bình vô cùng độc đáo.
Lộc bình mai cao hơn đầu người được anh Hiệp thắt từ hàng chục cây mai nhỏ |
DUY TÂN |
Anh Hiệp cho biết, anh gắn bó với nghề ghép mai kiểng đã lâu. Để đa dạng hóa sản phẩm cung ứng thị trường tết, anh thường mày mò tạo ra những cây mai vàng có dáng thế độc đáo. Mai vàng từ 2 - 3 năm tuổi, chiều cao 1 - 1,2 m trở lên được anh tuyển chọn uốn thành lộc bình cao và đẹp.
Lộc bình được anh Hiệp thiết kế hình dáng như bình hoa cổ trụ to lớn, mỗi bình gồm 18 - 24 cây mai. “Làm lộc bình mai vàng hoàn toàn không có khung cố định, chỉ sử dụng 7 vòng sắt làm khung, mỗi vòng to dần từ đáy bình đến vòng bụng và nhỏ lại khi đến miệng bình”, anh Hiệp cho biết thêm.
Những cây mai được thắt vào nhau tạo hình thành bình hoa cổ trụ to lớn |
DUY TÂN |
Dự kiến, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, anh Hiệp bán ra thị trường hơn 200 cặp lộc bình mai vàng. Giá bán từ 2,5 triệu đến hơn chục triệu đồng mỗi cặp (tùy kích cỡ).
Quấn rễ mai thành hình rồng, trái bí…
Tương tự, bà Lê Thị Mới (71 tuổi, ngụ ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách, Bến Tre) đã sáng tạo những cây mai con có bộ rễ đẹp nổi trên mặt đất với hình dáng đẹp mắt như lò xo, con rồng, trái bí…
Nhờ quấn rễ mai tạo hình độc đáo, bà Lê Thị Mới bán đắt vào dịp tết |
DUY TÂN |
Bà Mới cho biết, nhận thấy người chơi kiểng thích săn những cây mai có rễ với hình thù lạ mắt để chưng tết nên bà nảy sinh ý tưởng quấn rễ mai tạo hình. Nhờ vậy, hàng bán đắt hơn rất nhiều vào dịp tết.
Để có nguồn mai giống tạo hình, từ tháng 2, bà mua hột về gieo trên cát, phía trên có tro rơm và sơ dừa. Tầm 4 - 6 tháng, rễ đạt độ dài từ 60 - 80 cm thì đem ra quấn, tạo hình thắt bím, hoa mai, trái bí, con rồng... rồi ươm dưỡng tiếp. Sau đó mới ghép mai dảo để cây cho hoa đẹp đúng vào dịp tết.
Những cây mai con với bộ rễ đẹp, có hình dáng như lò xo, con rồng, bộ rễ nổi trên mặt đất |
DUY TÂN |
“Tùy theo dáng thế của cây, tôi sẽ chọn cách quấn sao cho đẹp nhất. Ngoài kinh nghiệm còn cần tính tỉ mỉ và đôi tay linh hoạt. Đặc biệt, phải tự hình dung trong đầu rồi quấn theo chứ hoàn toàn không có khung sẵn”, bà Mới cho biết.
Mỗi năm, gia đình bà Mới làm ra hơn 20.000 cây mai với bộ rễ đủ hình thù, giá bán 100.000 đồng/cây. Riêng cây được quấn rễ và dưỡng nuôi lâu năm, có kích thước lớn thì có giá trị cao hơn. “Khách rất ưa thích những cây mai được tạo hình độc đáo. Đến mùa tết, thương lái các nơi và khách hàng đặt mua đắt như tôm tươi. Nhờ đó đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng”, bà Mới chia sẻ.
Một cây mai được quấn rễ thành hình rồng uốn lượn đẹp mắt |
DUY TÂN |
Cúc ‘chân dài’ giá cao gấp 4 lần cúc thường
Ông Trần Văn Xê (50 tuổi, ngụ P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) có 10 năm kinh nghiệm trồng hoa tết. Đến tăng thu nhập, ông tòi, học hỏi cách “kéo chân” những chậu cúc Đài Loan thành cúc “chân dài”, cao từ 1,4 - 1,5 m.
Nông dân miền Tây chong đèn ‘kéo chân dài’ cho cúc, bán giá cao gấp 4 lần |
Ông Xê cho biết, ông đã chuẩn bị hơn 2.000 chậu hoa các loại, nhiều nhất là cúc Đài Loan và cúc mâm xôi, để bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đặc biệt, cúc Đài Loan thông thường được ông nâng cao giá trị bằng cách “kéo chân”, giá bán cao gấp 4 lần cúc thông thường (khoảng 400.000 - 500.000 đồng/chậu).
Những chậu cúc ‘chân dài’ cao từ 1,4 - 1,5 m |
DUY TÂN |
Cúc là loại hoa dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đòi hỏi kỹ thuật cao và cực công chăm sóc. Do đó, việc “kéo chân” cho cúc cũng khó gấp nhiều lần, phải chuẩn bị giống và trồng sớm hơn 1 tháng so với chậu cúc thông thường. “Thường thì tôi hoa kiểng bán tết từ Rằm tháng 8 âm lịch.
Riêng cúc Đài Loan thì trồng sớm hơn 1 tháng để tạo nên cúc ‘chân dài’. Khi cây đạt độ cao nhất định thì tiến hành chong đèn để cây không ‘ngủ’ và phát triển liên tục, đạt độ cao theo yêu cầu. Sau đó tắt đèn trước tết 2 tháng để cây nở hoa đẹp nhất”, ông Xê tiết lộ.
Bình luận (0)