Giờ tan tầm những ngày giáp Tết, dãy trọ công nhân trên đường Lê Đình Cẩn (Q.Bình Tân, TP.HCM) rộn ràng câu chuyện thưởng Tết, sắm Tết hòa cùng những bài nhạc xuân khiến không khí thêm phần tưng bừng. Ở đây đa số là công nhân PouYuen, quê miền Tây lên TP kiếm sống đã chục năm qua.
Công nhân PouYuen ngỡ ngàng vì thưởng tết ở công ty lớn nhất TP.HCM cao vọt |
Tết ấm no
15 năm trước, chị Nguyễn Thị Trúc Xinh (hiện 34 tuổi, quê An Giang) cùng các anh chị trong nhà lên Sài Gòn làm công nhân. Vài năm sau, nhớ con nhớ cháu, ba mẹ chị cũng khăn gói lên TP thuê nhà trọ gần các con. Tết đến, cả nhà lại cùng nhau về quê.
15 năm làm công nhân, chị Xinh và chồng vẫn đều đặn gửi tiền phụ cha mẹ hai bên |
vũ phượng |
Anh Tiên Văn Có (29 tuổi, quê Kiên Giang) – chồng chị Xinh làm thợ hồ. Lương hai vợ chồng vừa đủ lo cho 2 con, trả tiền nhà trọ, gửi phụ nội, ngoại. Mười mấy năm lập nghiệp Sài Gòn cũng vì vậy mà năm nào xài hết tiền năm đó, không có dư.
“Bao năm cứ xoay vòng vòng như vậy. Cha mẹ đều nghèo nên mình có lương phải phụ cha mẹ. Tiền trọ cả điện, nước vào khoảng 1,7 triệu mỗi tháng, cộng với tiền lo cho các con ăn học, chi tiêu sinh hoạt là vừa khít lương”, chị Xinh nói.
Vợ chồng chị Xinh đã có 6 năm gắn bó với căn trọ này |
vũ phượng |
Mới vài hôm trước, vợ chồng chị Xinh còn bàn nhau nếu không có thưởng Tết thì không biết xoay xở thế nào vì bao nhiêu khoản phải chi. Nhưng hôm nay nhắc đến Tết, cả hai đều cười tươi rói.
“Tôi làm 15 năm, thưởng được hệ số 2,2, tương đương hai mấy triệu đó. Lúc công ty báo tin thưởng Tết vậy cả xưởng ai cũng mừng vì ban đầu nghĩ thưởng như năm dịch, ai ngờ lên lại như hồi chưa có dịch. Mọi người bàn tán rôm rả. Với số tiền này thì Tết tôi sẽ chăm lo được gia đình hai bên ấm no, không bị eo hẹp, ăn Tết thoải mái”, chị cười chia sẻ.
Vừa nấu đồ ăn tối, chị Xinh vừa chia sẻ, bao nhiêu năm qua, các khoản thưởng Tết dù ít dù nhiều nhưng gia đình đều sẽ chi các khoản như: mua quần áo mới cho con, mua đồ đạc trong nhà ăn Tết, biếu cha mẹ, lì xì. Tính trung bình mỗi năm Tết đều xài hết mười mấy, hai chục triệu.
Để tiết kiệm chi phí, mỗi ngày chị Xinh đi làm bằng xe đạp |
vũ phượng |
Anh Có làm thợ hồ, không có thưởng Tết mà thu nhập tính theo mỗi ngày công chừng 400.000 – 500.000 đồng, tháng nào nhiều việc sẽ được khoảng 20 ngày công. Lương của chị Xinh cũng chừng chục triệu/tháng. Dù nhiều khoản lo như vậy, nhưng hai vợ chồng biết cách chi tiêu hợp lý nên không khí trong căn nhà trọ chừng 20 m2 lúc nào cũng vui vẻ.
Thủ tướng hỏa tốc yêu cầu thanh toán lương, thưởng tết cho người lao động |
Tết không áp lực!
Đồng nghiệp của chị Xinh, anh Trần Minh Phương (39 tuổi, quê Kiên Giang) cũng kể, trước tình hình kinh tế khó khăn, anh và những người làm chung đều từng rất lo khi nhắc về thưởng Tết.
Cuối cùng, mọi người lại không ngờ công ty thưởng cao vậy. Làm công nhân 8 năm, mức thưởng của anh Phương khoảng là 1,9, tương đương 15 triệu đồng.
Bữa cơm đơn giản của gia đình anh Phương, chị Sang |
vũ phượng |
Anh chia sẻ: “Năm ngoái thưởng ít, trong nhà không dám sắm sửa gì, nhưng các khoản như biếu cha mẹ hai bên, lì xì các cháu thì vẫn đầy đủ. Năm nay với mức thưởng đó thì thoải mái hơn rồi, không áp lực. Bất ngờ được thưởng Tết cao, ai cũng mừng hết trơn. Nói thiệt chứ có việc làm ổn định, thưởng cao sau dịch thế này cứ như trong mơ”.
Vợ anh Phương – chị Đặng Thị Thúy Sang (35 tuổi, quê Trà Vinh) cũng làm công nhân cho một xưởng tư nhân. Khác với những công ty khác, năm nay, chị Sang có nhiều việc, tăng ca thường xuyên, nhưng tiền thưởng Tết áng chừng thấp hơn chồng.
10 năm trước, chị Sang rời quê lên Sài Gòn làm công nhân rồi gặp anh Phương, biết gia đình hai bên đều khó khăn, anh chị tự tiết kiệm tiền làm đám cưới nhỏ ra mắt hai bên gia đình rồi quay trở lại TP tiếp tục cày cuốc.
Lương công nhân của anh Phương hiện đang được hơn 8 triệu/tháng, chị Sang cũng xấp xỉ mức đó. Hằng tháng, anh chị phải lo tiền thuốc, tiền gửi trẻ cho con trai 7 tuổi bị bệnh và gửi về quê phụ ba mẹ chăm con nhỏ 3 tuổi nên dù bữa cơm chỉ có cá khô, nồi canh mà cũng không dư dả gì.
Chị Sang tâm sự: “Ngày chưa có con thì hai vợ chồng làm lụng, tiết kiệm còn có dư, tới khi có bầu xong có con đến nay là hết biết dư luôn. Mọi năm, vợ chồng tôi sẽ chạy xe máy về quê, nhưng năm nay chiếc xe cà tàng quá rồi, sợ đi đường xa không nổi nên chắc đi xe đò”.
Khoản thưởng Tết vừa được thông báo khiến nhiều công nhân nhẹ gánh những nỗi lo Tết |
vũ phượng |
Dù cuộc sống không dư dả, nhưng với khoản tiền thưởng Tết, năm nào về quê anh chị cũng dành một khoản biếu cha mẹ, lì xì các cháu, mua quà cáp và sắm sửa chút ít trong gia đình.
“Chồng về báo tin thưởng cao, nói Tết năm nay vui rồi nè, là từ đó tới nay cứ cười vậy thôi đó. Làm cả năm, có dịp nghỉ dài ngày về cạnh gia đình, ai cũng mong được cái Tết ấm no như vậy là mừng lắm rồi”, chị Sang bày tỏ.
Trong giai đoạn khó khăn vì nhiều công nhân bị ảnh hưởng vì đơn hàng thì "những niềm vui nho nhỏ" về thưởng Tết với anh Minh Phương, chị Trúc Xinh như một khích lệ sẻ chia từ công ty để họ thêm hi vọng cho một cái Tết tạm ổn phía trước.
Bình luận (0)