Người miền Tây kiếm cả triệu/ngày mùa Tết nhờ săn 'lộc trời'

08/02/2019 07:32 GMT+7

Chỉ trong con nước 30 Tết, nhiều người dân ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, H. Thạnh Phú (Bến Tre) đã kiếm tiền triệu nhờ tranh thủ lúc hừng đông ra rừng phòng hộ vớt rươi.

Theo những người “săn” rươi tại địa phương, người trúng mánh nhất trong mùa rươi năm nay là chị Hồng Thanh, ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong. Chỉ riêng con nước 30 Tết, chị Thanh đã vớt bán hơn 10 triệu đồng.

“Mấy năm trước, rất hiếm khi vuông của tôi có rươi, không ngờ năm nay trúng mánh đến vậy, có đêm rươi nổi lên rồi vợ chồng tôi vớt đầy xuồng vẫn còn nổi luôn đó. Tính từ con nước Rằm tháng Mười (âm lịch) đến nay, tôi đã kiếm cũng được vài chục triệu rồi. Nhờ vậy, Tết này phấn khởi thêm”, chị Thanh chia sẻ.

Một phụ nữ chịu khó lội vớt từ 3, 4 giờ đến sáng đã kiếm tiền triệu BẮC BÌNH


Gần đó, vuông tôm của ông sáu Bình, cũng trúng không kém cạnh. Rươi nổi lên đặc nước và ông đã “phá lệ làng” không cho người khác xuống vuông vớt.

“Ở đây có một quy tắt bất thành văn là rươi nổi lên trong các vuông trong rừng phòng hộ thì mặc nhiên xem là “lộc trời” cho. Vậy nên, hễ ai thấy thì có thể xuống vớt. Nhưng, mùa rươi năm nay là lần đầu tiên ông Sáu Bình không cho bà con xuống vớt.

Nói thì nói vậy thôi chứ đất đó là ông Sáu Bình được Ban quản lý rừng phòng hộ  giao cho canh tác, ông ấy không cho là quyền của ông ấy, có điều năm nay ở đây trúng rươi nên vuông nào cũng có”, chị Trần Thị Thùy Linh (33 tuổi, ngụ xã Thạnh Phong) nói. Chị Linh có thâm niên vớt rươi 15 năm và cũng là một thương lái tiêu thụ rươi với số lượng lớn cho bà con nơi này.

Theo chị Linh, rươi ở đây nổi lên theo con nước Rằm và Ba Mươi từ tháng Mười đến tháng Chạp. Rươi nổi lên khoảng 3 giờ rạng sáng và đặc biệt nhiều trong các đêm gió chướng thổi mạnh, lạnh, nước lớn nhanh bất ngờ. Tuy nhiên, ngay cả những người có thâm niên nhất ở đây cũng không thể biết được rươi sẽ nổi lên ở khu vực nào, ai nấy đều phải tự lặn lội đi tìm. Tìm thấy rươi nổi cứ mặc nhiên xuống vớt, chủ vuông sẽ không ngăn cản – đó như một phong tục mang tính đoàn kết, đượm tình làng nghĩa xóm của địa phương này.
Theo chị Linh, sơ chế 3 kg rươi tươi (giá 30.000 - 35.000 đồng/kg) sẽ được 1 kg rươi thành phẩm bán giá từ 250.000 đồng/kg trở lên. Ngoài ra, nước luộc 10 kg rươi tươi sẽ làm được một lít nước mắm rươi đặc sản bán 200.000 đồng/lít BẮC BÌNH

Hơn 10 năm trước có người từ các nơi khác đến mua rươi tươi về nấu nước mắm. Từ đó, giá rươi tươi tăng từ 3.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, rồi tiếp tục tăng giá qua từng mùa, tính từ khoảng 3 năm nay, rươi tươi ổn định ở mức 30.000 đồng/kg.

Chỉ riêng dịp Tết này, nhiều gia đình đã kiếm được hàng chục triệu đồng, người kém may mắn cũng bỏ túi vài triệu.

“Tôi chịu khó chế biến sơ rồi đông đá gửi xe đi bán, giá cả tùy địa điểm xa hay gần. Như các tỉnh miền Tây thì giá 300.000 đồng/kg, đưa lên TP.HCM thì 350.000 đồng/kg và khu vực miền Bắc thì khoảng 400.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi cũng nấu nước mắm rươi bán 200.000 đồng/lít. Tính trong mùa này, tôi đã thu mua, chế biến hơn 10 tấn rươi tươi rồi, không đủ bán luôn đó”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Rươi tươi như thế này sẽ có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon BẮC BÌNH
Tương tự, tại các xã ven biển thuộc thị xã Duyên Hải và H. Duyên Hải (Trà Vinh), bà con ở đây cũng “trúng mánh” nhờ tranh thủ “săn” rươi ở khu vực rừng phòng hộ nổi lên vào lúc hừng đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.