Những trận mưa đầu mùa tháng 6 gần như chưa đủ để giải khát cho vùng đất khô cằn huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Một huyện nằm ở cửa con sông Hậu, giáp với biển đông. Con đường tỉnh 935 từ ngã ba Tài Văn về xã Thạnh Thới An hai bên là những cánh đồng vừa trải qua nhiều tháng ngưng sản xuất vì khô hạn.
Những căn nhà khóa cửa
Ngồi giữa ruộng dưa leo đã thu hoạch, nhặt những trái dưa leo héo queo đã bị người ta bỏ đi để đem về cho bò, ông Danh Son (47 tuổi, ngụ ấp Tắc Bướm, xã Thạnh Thới An) cho biết, sau vụ lúa đông xuân hồi sau Tết nguyên đán (đầu tháng 2.2019 - PV), 1,2 ha ruộng của ông đã phải bỏ không đến giờ.
“Sau mùa hạn năm 2016, lúa vụ 3 chết gần hết, xã chỉ còn cho trồng 2 vụ lúa. Có một số ít ruộng lấy được nước ngọt thì trồng dưa, trồng màu nhưng giá cả thất thường lắm. Như dưa năm ngoái 5.000 đồng/kg, năm nay sụt còn 3.500 đồng/kg”, ông Son nói.
|
Vụ lúa gần nhất ông Danh Son thu được 8 tấn lúa, giảm khoảng 2 tấn so với năm 2018. Sau khi chừa lại 500 kg lúa để ăn, ông Son bán hết với giá 4.600 đồng/kg, được khoảng 34 triệu đồng. Số tiền này, vợ chồng ông lại phải trả tiền giống, phân thuốc mua gối đầu trước đó hết 19 triệu đồng. Vậy là công sức gần 4 tháng làm việc cật lực trên đồng ruộng còn lại không đáng bao nhiêu. Thậm chí, nếu tính cả công trồng trọt, chăm sóc, tưới tiêu suốt mùa, ông Son xem như lỗ vốn.
“Làm ăn khó khăn quá nên 2 đứa con tôi sau khi lập gia đình chị em rủ nhau đi Bình Dương làm công nhân hết. Con cái tụi nó có 3 đứa giờ giao hết cho vợ chồng tôi trông coi, chăm sóc”, ông Son nói.
|
Dọc hương lộ đi về trung tâm xã Thới Thạnh An là nhiều ngôi nhà cửa khoá, then cài mà phần lớn là của những gia đình đi làm ăn xa. Nhiều gia đình đìu hiu khi chỉ còn người già và trẻ nhỏ. “Tôi có 6 người con thì cả 6 đều đi xa làm công nhân ở miệt Đồng Nai. Mỗi năm chỉ có dịp Tết mới về một lần. Chỉ có con bé này là con đứa thứ 3 gửi lại để tôi trông coi, cho đi học và cũng để phụ giúp cơm nước. Tui già rồi, ốm đau hoài”, bà Liêu Thị Ren, 64 tuổi, nhìn đứa cháu gái 12 tuổi nói.
Bà Ren kể, trước đây nhà bà cũng có 1 ha ruộng nhưng 10 năm trước, chồng bà bị bệnh nan y nên gia đình đã phải bán đất để lấy tiền chữa trị cho ông. Nhưng bệnh tình chồng bà quá nặng, gia đình bà rơi vào cảnh ruộng mất người cũng không cứu được, con cái đều phải tha hương.
Nhà nào cũng có người đi làm xa
Lật cuốn sổ ghi chép về nhân khẩu và lao động ở địa phương, ông Lâm Hoàng Khal (57 tuổi Trưởng ấp An Hoà 1) cho biết, ấp của ông có 326 hộ dân thì có 49 hộ đóng cửa nhà đưa cả gia đình lên miền Đông, TP.HCM làm công nhân. “Một người đi thấy sống được họ về rủ rê thêm anh em, bà con, lối xóm, thành thử giờ mà tính số người đi lẻ thì nhà nào cũng có người đi làm xa”, ông Khal nói.
|
|
5 người con của bà Quynh, tuy chỉ học tới lớp 2 - 3 nhưng ly hương đều tu chí làm ăn. Ai cũng khá hơn so với ở quê trước đây. Người con lớn của bà Quynh còn mua được xe khách 24 chỗ ngồi chạy tuyến Trần Đề đi Bình Dương để phục vụ nhu cầu người ở quê lên miền Đông tìm việc làm.
Trưởng ấp Khal nói vẻ tự hào, nhờ phong trào lên phố làm công nhân mà trong 2 năm qua, ấp An Hoà 1 có tới 40 hộ thoát nghèo tất cả đều là công nhân. Số hộ nghèo còn lại của ấp chỉ còn 14 là những gia đình có người già neo đơn hay bật tật, không có ruộng vườn.
Khó để “bám” ruộng
So sánh về sự khác biệt giữa ở quê và đi làm công nhân, ông Khal, đưa ra ví dụ: “Nếu nhà có 10 công ruộng mà tới 5 đứa con, ruộng không đủ làm thì phải đi là mướn. Vất vả cả ngày được 200 ngàn đồng mà đâu phải lúc nào cũng có việc. Trong khi 5 người lên thành phố làm công nhân, mỗi người lãnh 6 - 7 triệu/tháng, tăng ca có khi được cả chục triệu đồng. Trừ các chi phí, nhà trọ, ăn uống, biết chi tiêu vẫn dư lại khá”.
Ông Nguyễn Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An, cho biết thêm cả xã này có 3.071 hộ dân, thì đã có khoảng 1.300 người đi làm ăn xa ở các địa phương khác. Sản xuất nông nghiệp ở địa phương ngày càng khó khăn chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân rời quê đi xa làm ăn xa ngày càng nhiều.
“Không phải chỉ rời đi trong mùa hạn, mặn mà cả những mùa vụ khác họ vẫn đi khi tìm được công việc ổn định, thu nhập cao hơn so với ở quê”, ông Quân cho biết.
|
Nhắc đến việc làm thế nào “giữ chân” lao động trẻ ở lại địa phương, ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Đề, lắc đầu cho rằng rất khó. “Mỗi nhà có vài công ruộng manh mún thì thà bán đi hoặc cho thuê rồi tìm việc khác sẽ tốt hơn. Huyện luôn tạo điều kiện để người dân đi làm dễ dàng nhất. Chỉ có điều băn khoăn nhất là làm thế nào chăm lo tốt hơn đến những thế hệ sau, con cái của những gia đình đi làm ăn xa để ở quê được chăm sóc, học hành”, ông Dũng nói.
Hai mặt của hiện tượng “rời quê lên phố”
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng, Viên nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL nhận định hiện tượng lao động nông thôn, đặc biệt lao động trẻ, lên các vùng đô thị, các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Biến đổi khí hậu hay cụ thể hơn là thời tiết bất thường là một trong các nguyên nhân của tình trạng trên. Yếu tố thay đổi tự nhiên như biến đổi khí hậu, cộng thêm tình trạng suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên, các chính sách còn bất cập, tâm lý xã hội, thất nghiệp, nghèo, thu nhập thấp, gia tăng dân số nông thôn, nhu cầu lao động tăng cao ở các vùng đất đang phát triển công nghiệp… là những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng di dân.
Sự dịch chuyển lao động này có một số lợi ích nào đó cho người lao động nhưng cũng để lại nhiều tiêu cực. Có thể kể đến như làm cho các vùng nông thôn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang hoặc thiếu đầu tư canh tác. Người trẻ lên thành phố thường phải bỏ con lại cho ông bà ở nhà chăm lo, thiếu quản lý, dạy dỗ dễ hư hỏng, thậm chí bị xâm hại. Một số thanh niên nam nữ lên các vùng đô thị lại nhiễm một số thói xấu chốn thị thành. Trong khi đó, việc gia tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát vùng đô thị cũng góp phần phá vỡ nhiều quy hoạch cơ sở hạ tầng, tăng ô nhiễm, kẹt xe, rác thải, nước thải, tai nạn công nghiệp…
|
Bình luận (0)