Người 'mở khóa' những trái tim

Bá Cường
Bá Cường
12/07/2024 08:00 GMT+7

Diễn biến tích cực trong suy nghĩ, bỏ dần những hành động tiêu cực, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống… nghe qua có vẻ đơn giản nhưng lại là thành quả, niềm vui "vô hình" của những người làm nghề tư vấn tâm lý trẻ em tại Phòng tư vấn tâm lý Tin Yêu ở Quảng Bình.

Giữa tháng 4.2024, Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ khai trương Phòng tư vấn tâm lý Tin Yêu, chính thức có một nơi chuyên về việc tư vấn các vấn đề tâm lý cho trẻ em, thanh thiếu niên đang mắc phải những triệu chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm…

Người 'mở khóa' những trái tim- Ảnh 1.

Chị Giang cùng đội ngũ nhân viên trao đi những cảm xúc tích cực cho những người yếu thế

BÁ CƯỜNG

Phòng tư vấn do chị Nguyễn Thị Thùy Giang, Trưởng phòng Phương pháp tham vấn tâm lý phụ trách. Đây cũng là nơi để chị Giang trực tiếp trò chuyện, chia sẻ với các bạn nhỏ về những vấn đề mà các bạn đang gặp phải.

"Từ ngày thành lập phòng, đã có hơn 30 trẻ em, thanh thiếu niên tìm đến để được chúng tôi giúp đỡ. Mọi thứ đều miễn phí, để giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ các bạn có thể cởi mở, thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tránh dẫn đến việc bị trầm cảm", chị Giang nói.

Phòng tư vấn tâm lý Tin Yêu vì mới thành lập nên cơ sở vật chất vẫn còn khá đơn sơ. Thế nhưng, góc phòng nhỏ này lại là nơi mang lại sự ấm áp, thân thương với những trẻ em đang bị trầm cảm.

"Những bạn mắc phải các vấn đề về tâm lý thường rất khó tiếp xúc, khó giao tiếp. Nhưng khi đến đây, với sự chia sẻ, sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ từng nút thắt trong suy nghĩ, các bạn dần cởi mở hơn, tích cực hơn, thay đổi bản thân nhiều hơn… Đó chính là niềm vui "vô hình" của những người làm nghề tư vấn như tôi", chị Giang nói.

Chia sẻ về những câu chuyện nghề, chị Giang cho hay nhờ công việc này mà bản thân đã có sự bao dung, nhẫn nại hơn và cũng rất ấn tượng với bạn trẻ bị trầm cảm, dù họ có những vấn đề về suy nghĩ, hành động nhưng lại ẩn chứa bên trong những năng khiếu rất đáng nể.

"Tôi đang tư vấn cho một học sinh lớp 8, bạn có dấu hiệu khá nặng về việc rối loạn tâm lý. Thời gian đầu, việc tiếp xúc với bạn ấy rất khó khăn, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe bạn chia sẻ và đưa ra các phương pháp tư vấn, dần dần bạn học sinh này đã cải thiện và bộc lộ các năng khiếu vẽ rất đẹp", chị Giang chia sẻ.

Hầu hết những công việc, hoạt động vì cộng đồng đều hướng đến sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, cái ăn, cái mặc cho những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn. Đối với những cán bộ, nhân viên làm việc tại Phòng tư vấn tâm lý Tin Yêu, thứ họ trao tặng chính là những cảm xúc tích cực, là chìa khóa để những người mắc chứng trầm cảm "mở khóa" bản thân, hòa nhập với cuộc sống.

"Với những người bị trầm cảm, họ có những suy nghĩ rất tiêu cực, năng lượng tiêu cực đó cũng rất dễ ảnh hưởng đến những người làm nghề tư vấn như chúng tôi. Chính vì vậy để có thể làm tốt, người làm tư vấn đòi hỏi phải có tinh thần vững chắc và biết cách lan tỏa năng lượng tích cực đến với các bạn trẻ", chị Giang chia sẻ.

Bà Hà Thị Bình, Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình, cho biết chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên đang là vấn đề cấp bách, bên cạnh các cơ sở chuyên điều trị về bệnh thì việc có thêm các cá nhân, tập thể sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ sẽ là một điều quý giá.

"Bên cạnh đời sống vật chất, thì tinh thần là một thứ rất quan trọng, đặc biệt với trẻ em. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ phát triển Phòng tư vấn tâm lý Tin Yêu thành một trung tâm chuyên về việc tư vấn tâm lý, để các bạn trẻ có thể sẵn sàng tìm đến, hướng bản thân mình thoát khỏi những suy nghĩ, hành động tiêu cực", bà Bình nói.

Người 'mở khóa' những trái tim- Ảnh 2.

Mời tham gia cuộc thi viết và ảnh 'Công tác xã hội trong trái tim tôi'

Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam phát động cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi".

Nội dung bài dự thi: Bài viết, hình ảnh mang tính biểu dương, tuyên truyền về ngành công tác xã hội tại Việt Nam nói chung; những tấm gương đang công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng có hoạt động, việc làm thiết thực, mô hình hiệu quả trong trợ giúp, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng yếu thế trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài (nếu có). Các bài viết, hình ảnh thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.

Đối với tác phẩm thi viết: Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt không quá 1.000 chữ, khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp.

Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.

Tấm gương được nêu trong bài dự thi phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng, có sức lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội được cơ quan, đơn vị, chính quyền ghi nhận.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu.

Đối với thi ảnh: Tác phẩm dự thi thể hiện góc nhìn đa chiều của tác giả về ngành công tác xã hội hoặc các khoảnh khắc đẹp liên quan đến quá trình làm công tác xã hội.

Ảnh dự thi là ảnh màu hoặc trắng đen, được chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Ảnh được quyền chỉnh sửa cơ bản về ánh sáng và màu sắc nhưng không được cắt, ghép làm sai sự thật (trường hợp cần thiết, Ban tổ chức sẽ yêu cầu tác giả nộp file gốc để kiểm chứng thông tin).

Ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 - 31.7.2024 (thời hạn cuối nhận tác phẩm dự thi) và phải ghi rõ bối cảnh, thời gian, tiêu đề.

Mỗi bức ảnh gửi dự thi phải kèm theo một tiêu đề giới thiệu cho nội dung bức ảnh.

Tác phẩm dự thi phải là ảnh mới của chính tác giả, không được sao chép trên mạng hay sao chép từ người khác.

Thời hạn gửi bài dự thi: Từ ngày 12.4 - 31.7.2024.

Cách thức gửi bài dự thi: Gửi qua email của chương trình: congtacxahoi@thanhnien.vn

Giải thưởng

Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.

Cuộc thi ảnh: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng thanhnien.vn): 5 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.