Trưởng thành từ gia đình tan vỡ
Theo lời Vinh, bố mẹ đường ai nấy đi khi anh mới học lớp 3. Bước sang tuổi 15, anh phải sống một mình khi mẹ tái hôn. Từ đó, anh dần tự cô lập bản thân và không còn chuyên tâm học hành.
Lúc đó, chỉ có hội họa mới đem đến cho anh niềm vui sống. Không chỉ bộc lộ năng khiếu vẽ từ khi lên 7, anh đã tự học và sử dụng thành thạo các công cụ Illustrator, Photoshop dù chỉ mới 10 tuổi. "Lúc bấy giờ, mỗi khi đến nhà riêng của bố, tôi thường mò mẫm công cụ Microsoft Paint trên máy tính rồi dần dần tự tìm tòi cách dùng những phần mềm khác. Việc thiết kế đã giúp tôi tìm ra đam mê của mình và phần nào vượt qua được cú sốc thời thơ ấu", anh nhớ lại.
Tốt nghiệp THPT, thay vì học đại học, anh chọn thử sức với công việc thiết kế đồ họa ở nhiều công ty. Đến năm 23 tuổi, anh quyết định theo học ngành thiết kế tại Trường ĐH RMIT (TP.HCM) vì nghĩ mình nên có một bằng cấp. Song song đó, anh dành thời gian nghiên cứu cách xây dựng phần mềm trên điện thoại. Bằng sự nỗ lực của mình, 1 năm sau đó, ứng dụng mà anh thiết kế đã được đưa lên nền tảng App Store ở nhiều quốc gia.
Vinh lập gia đình năm 26 tuổi và 1 năm sau, anh được đề nghị vị trí trưởng phòng thiết kế cho một công ty ở San Francisco (Mỹ) với mức lương hậu hĩnh. Sau quá trình cân nhắc, anh quyết định nghỉ học và chọn con đường lập nghiệp ở xứ người. "Tôi nhận ra bản thân có thể đi xa hơn khi cọ xát với thực tiễn. Dù lúc ấy đã có kinh tế ổn định, tôi vẫn không bỏ lỡ cơ hội làm việc ở Mỹ vì muốn thực hiện hoài bão bấy lâu của mình", anh chia sẻ.
Biến cố ở nơi xa
Trớ trêu thay, khi sang Mỹ, anh Vinh mới hay tin công ty đã tái cấu trúc nên không còn tuyển dụng vị trí nói trên. Anh cho biết: "Khi đó, tôi chỉ mang theo 8.000 USD, mức sống ở San Francisco lại quá đắt đỏ. Chẳng hạn, giá thuê một căn phòng ngủ đã lên đến 2.500 USD/tháng. Tuy nhiên, tôi dặn lòng phải cố gắng xoay xở và quyết tâm có được việc làm".
Nghĩ vậy, anh chọn cách ở ghép cùng người khác trong một căn phòng tạm bợ với mức giá 800 USD/tháng. Tuần đầu tiên ở San Francisco, anh ra sức liên lạc với đồng nghiệp, người quen để nhờ giúp đỡ và sau đó đã được kết nối với giám đốc của một người vừa quen. Sang tuần sau, anh tham gia buổi phỏng vấn kéo dài 8 tiếng đồng hồ và kinh qua nhiều vòng tuyển chọn gắt gao để giành lấy vị trí giám đốc thiết kế.
Một năm sau, anh làm thủ tục để đón vợ con sang Mỹ. Để gồng gánh gia đình, anh đã làm cho 4 công ty cùng lúc và mỗi ngày đều vùi mình trong phòng làm việc từ 7 giờ đến giữa khuya. "Quá khứ luôn nhắc nhở tôi phải thành công nên dù lao lực đến đâu tôi cũng phải cố gắng đến cùng để gia đình có được cuộc sống yên ấm", anh thổ lộ.
Giờ đây, anh đã sở hữu 3 căn nhà riêng ở San Francisco và Texas. Đặc biệt, từ khi đặt chân sang Mỹ, anh đã nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ các công ty lớn về công nghệ như Microsoft, Uber, Sony, Airbnb…
Vực dậy chính mình để giúp người khác
Năm 2019, Vinh đầu quân cho Google sau 2 lần nhận lời mời phỏng vấn từ tập đoàn này. Mọi việc vẫn trên đà thuận lợi cho đến khi bước vào giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19. Ở nhà suốt 8 tháng và phải đối diện với nỗi buồn 2 người thân qua đời, căn bệnh trầm cảm kinh niên của anh ngày càng trở nặng.
"Suốt một thời gian dài, tôi tự thấy mình thất bại ê chề, thậm chí nghĩ tới chuyện tự sát. Ngoài ra, tôi đã dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng điều này lại phản tác dụng khi bản thân dần chai sạn cảm xúc và mất động lực làm việc", anh cho hay.
Đến khi chuyển sang Meta vào đầu năm 2022 và được làm việc từ xa, anh vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề của mình. Dần dà, anh nhận ra cách tốt nhất để chiến thắng bệnh tật chính là giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Từ đó, anh cho ra đời Công ty Murror.app nhằm hỗ trợ người mắc bệnh trầm cảm bằng AI.
Thông qua sản phẩm của Vinh, người dùng có thể giao tiếp với Talkbot (hộp trò chuyện) về mọi chủ đề và nó sẽ giúp họ nhận diện chính xác tình trạng mình đang gặp phải bằng cách làm một bảng khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm. Đồng thời, Talkbot còn gợi ý cho người dùng một số bài tập về thiền định, yoga cũng như theo dõi tiến độ sức khỏe tinh thần của họ mỗi tháng.
"Thường mọi người ngại gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý vì sợ mình bị đánh giá, hơn nữa chi phí trị liệu cũng không hề rẻ. Do đó, sản phẩm của tôi đề cao tính riêng tư và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận. Tuy nhiên, nếu nhận thấy người dùng có triệu chứng nặng, Talkbot của Murror.app sẽ khuyên họ nên tìm gặp bác sĩ", anh Vinh nói và cho biết đối tượng anh hướng đến là những người dưới 30 tuổi.
Hiện đội ngũ nhân sự của Murror.app gồm 40 người, trong đó có bác sĩ tâm lý, kỹ sư công nghệ đến từ Mỹ và VN. Tuy sản phẩm dự kiến chính thức "trình làng" vào cuối năm nay nhưng hiện website của Murror.app đã có hơn 2.000 người đăng ký chỉ sau 1 tháng công bố.
Quen biết Vinh đã được 10 năm, anh Brian Lương (38 tuổi), sống tại Massachusetts (Mỹ), đánh giá cao sự chăm chỉ của bạn mình để thành danh trên đất Mỹ. Đồng thời, anh cho rằng Murror.app là một bước tiến trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần và có thể giúp người dùng được thoải mái chia sẻ nhờ tính bảo mật cao.
"Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trầm cảm ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19. Với các liệu pháp đã được thử nghiệm lâm sàng cùng sự hỗ trợ của AI, tôi tin Murror.app sẽ phần nào giúp phòng ngừa tình trạng trên", anh Brian Lương nói và tiết lộ bản thân đã tham gia huy động vốn đầu tư kiêm vai trò cố vấn chiến lược kinh doanh cho Murror.app.
"Murror.app chính là sứ mệnh cuộc đời tôi. Tôi hy vọng có thể giúp ích cho mọi người bằng tất cả những gì mình có", anh Vinh khẳng định.
Bình luận (0)