Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 29.1, 3 phụ nữ và 1 người đàn ông được cho là có hành vi môi giới, mua bán dâm đã bị Công an TT.Dương Đông, H.Phú Quốc (Kiên Giang) buộc đứng xếp hàng bên đường để công khai hành vi, danh tính.
Sự việc diễn ra trên đường Cách Mạng Tháng Tám, KP.10, TT.Dương Đông, thu hút rất đông người hiếu kỳ, trong đó có cả trẻ em và khách du lịch. Một số người đã quay lại cảnh này đưa lên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ.
Không chỉ nêu danh tính, nhân thân từng người, cán bộ công an còn mô tả chi tiết những hành vi mua bán dâm trước đông đảo người dân. Nhiều ý kiến cho rằng việc công an “bêu riếu” người mua bán dâm giữa đường là sai.
tin liên quan
Công an 'bêu tên' người mua, bán dâm ngoài đườngSai hoàn toàn
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc xử lý hành vi mua bán dâm đã được quy định theo pháp luật hiện hành tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người mua dâm, người bán dâm. Theo đó, có thể sẽ bị xử lý hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền hoặc xử lý hình sự.
LS Công nhận định việc công an tại một địa điểm công cộng đã đọc tên từng người, đề nghị người mua dâm, bán dâm bước lên phía trước để cán bộ công an nêu rõ hành vi mua bán dâm, là sai hoàn toàn.
LS Công phân tích, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” và Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
“Cái sai đầu tiên của Công an TT.Dương Đông là sai trong xử lý hành vi vi phạm của những người tổ chức, người mua bán dâm. Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về cách thức xử lý. Trong đó hoàn toàn không có quy định nào cho phép cơ quan có thẩm quyền công bố về hành vi vi phạm, đề nghị xử lý cũng như quyết định xử lý vi phạm. Nếu nói rằng đây là "biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn" thì cũng không đúng do người mua, bán dâm không phải đối tượng áp dụng các biện pháp này theo quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012”, LS Công nhấn mạnh.
LS Nguyễn Trình (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đồng quan điểm với LS Công: “Công an TT.Dương Đông đã xử lý không đúng căn cứ pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và nhân phẩm là các quyền hiến định của những người bị xử lý, cho dù là người đó là người mua dâm hay bán dâm”.
LS Trình phân tích, việc công bố công khai văn bản đề nghị Chủ tịch UBND Huyện Phú Quốc xử lý trường hợp vi phạm pháp luật về tổ chức bán dâm, bán dâm và mua dâm của những người liên quan là sai. Đến thời điểm công bố văn bản này, vẫn chưa có quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, mà mới chỉ có việc xác định hành vi vi phạm.
Tổ chức bán dâm, bán dâm và mua dâm đều là hành vi trái pháp luật. Tùy vào mức độ mà pháp luật điều chỉnh tương ứng từ xử phạt hành chính cho đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, không có bất cứ quy định nào về việc công bố công khai từ đề nghị xử lý cho đến quyết định xử phạt đối với các loại hành vi này.
“Bêu rếu” công khai có thể bị phạt 5 năm tù
LS Công lo ngại về hệ quả của hành vi hành chính trái pháp luật nói trên: "Chúng ta có thể dự liệu về nhiều loại hậu quả có thể xảy ra như tổn thất về quan hệ xã hội, gia đình cũng như tinh thần của người bị bêu tên trái phép".
LS Công khẳng định, hành vi này có dấu hiệu của tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu người bị làm nhục vì tổn thương tinh thần do hành vi làm nhục kia mà bị rối loạn tâm thần từ 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì người gây ra bị xử lý theo khung hình phạt tăng nặng đến 5 năm tù.
Bên cạnh đó còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tương ứng với thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 do đây là hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Người bị bêu tên nếu có thiệt hại có thể khiếu nại hành vi của Công an TT.Dương Đông.
“Việc giải quyết khiếu nại sẽ được thực hiện theo Luật khiếu nại 2011, Thông tư 11/2015/TT-BCA. Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP quy định cụ thể Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại là Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Đây là căn cứ để yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. Theo đó người bị thiệt hại sẽ thương lượng việc bồi thường với cơ quan có trách nhiệm bồi thường về các thiệt hại thực tế về vật chất va tinh thần mà mình phải gánh chịu”, LS Trình nhấn mạnh.
Bình luận (0)