Người mua nhà 8B Lê Trực gửi đơn kiến nghị tân Bí thư Thành ủy Hà Nội

Lê Quân
Lê Quân
14/02/2020 16:56 GMT+7

Hàng chục người dân mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực đã gửi đơn kiến nghị lên tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn sớm nhận được nhà sau nhiều năm bỏ tiền đầu tư.

Theo đơn kiến nghị của tập thể khách hàng mua căn hộ 8B Lê Trực (Hà Nội), những người này đã bỏ hàng tỉ đồng mua nhà, dự kiến cuối năm 2015 được nhận nhà, nhưng công trình xảy ra sai phạm, sau gần 5 năm cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế vẫn chưa xong, khiến người dân không được bàn giao về ở.
Trong suốt quá trình chờ đợi cơ quan chức năng cưỡng chế, nhiều khách hàng đã không ít lần gửi đơn thư kiến nghị, cầu cứu nhiều cơ quan chức năng liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào được bàn giao căn hộ đã bỏ tiền mua.
Đơn kiến nghị tập thể của hàng chục khách hàng gửi đến tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng dựa theo giấy phép xây dựng cấp ngày 24.3.2014 cho công trình 8B Lê Trực của Sở Xây dựng Hà Nội cấp là không đúng.
Nguyên nhân, khách hàng mua nhà cho biết đã tham khảo nhiều chuyên gia xây dựng và được trả lời bản thân giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng Hà Nội cấp cho công trình 8B Lê Trực không tuân thủ quy định pháp luật.
Người dân cũng cho biết từng gửi kiến nghị liên quan đến việc đúng sai của giấy phép xây dựng này đến nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa được quan tâm giải quyết triệt để. Cụ thể, đơn kiến nghị tập thể của khách hàng mua căn hộ 8B Lê Trực cho rằng, việc cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ tầng 17 và tầng 18 của công trình 8B Lê Trực là không đúng quy định pháp luật, do 2 tầng này xây dựng đúng theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt. Đồng thời, trong giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng Hà Nội cấp cho công trình 8B Lê Trực cũng thể hiện có tầng 17 và tầng 18 là tầng căn hộ bán cho người dân.
Khách hàng mua căn hộ tại 8B Lê Trực cũng cho hay, theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trật tự xây dựng tại công trình này, thì tầng 17 và tầng 18 không bị cưỡng chế phá dỡ. Chưa kể, các quyết định xử lý vi phạm hành chính cưỡng chế phá dỡ sai phạm tại công trình này đến nay đã hết hiệu lực thi hành theo điều 6 luật Xử lý vi phạm hành chính.

Khách hàng mua nhà tại 8B Lê Trực nhiều lần căng băng rôn kêu cứu vì bỏ tiền mua nhà nhiều năm không được bàn giao về ở

Ảnh Lê Quân

Đơn kiến nghị tập thể của khách hàng mua nhà tại 8B Lê Trực cũng bày tỏ nguyện vọng được bảo vệ quyền lợi, được tham gia đối thoại giữa chính quyền, chủ đầu tư và người mua căn hộ, để làm rõ trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên.
Bên cạnh đó, gần đây, khi UBND quận Ba Đình xúc tiến chuẩn bị lắp cẩu tháp để triển khai cưỡng chế phá dỡ tầng 17 và tầng 18 công trình 8B Lê Trực khi chưa có phương án thiết kế, thi công cụ thể khiến nhiều người mua nhà tại dự án này càng thêm lo lắng.

"Điển hình của việc trên bảo dưới không nghe"

TS Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng (khi còn công tác từng trực tiếp thụ lý đơn khiếu nại của khách hàng tại dự án này), cũng khẳng định công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 19 khoản C Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12.2.2009 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công trình 8B Lê Trực thực hiện theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 2452 ngày 5.12.2008 của UBND TP.Hà Nội, được cấp phép 20 tầng, chiều cao 70 m (17 tầng chính + 2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); các tầng 20, 19, 18, 17 mà UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong quy hoạch xây dựng chi tiết nêu trên.
Đồng thời, giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng cấp cho công trình 8B Lê Trực không đúng với Tiêu chuẩn xây dựng TCVN: 323/2004 (Mục 6.2.4.12) và cấp sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 nêu trên.
Cụ thể, giấy phép trên không đúng ở các điểm: chiều cao tầng thương mại theo quy định của nhà nước và quy hoạch được duyệt là 4,5 m/tầng, nhưng cấp phép chỉ có 2,6 m/tầng - cấp phép bị thiếu 1,9 m/tầng; chiều cao các tầng văn phòng theo quy định của nhà nước và quy hoạch được duyệt là 3,9 m/tầng nhưng cấp phép chỉ có 3,0 m /tầng - cấp phép bị thiếu 0,9 m/tầng; chiều cao thông thủy các tầng từ mặt sàn đến mặt dưới của trần chỉ cao từ 1,75 m đến 2,09 m nên con người không thể nào sinh sống và làm việc trong tầng nhà này vì chiều cao tầng bị quá thấp.
Các tầng căn hộ theo quy định của nhà nước và quy hoạch được duyệt là 3,3 m/tầng - cấp phép bị thiếu 0,3 m/tầng. Chiều cao thông thủy các tầng từ mặt sàn đến mặt dưới của trần chỉ cao khoảng 2,09 m - con người khó có thể sinh sống trong những căn hộ này vì chiều cao tầng bị quá thấp.
Cũng theo TS Phạm Gia Yên, điều bất thường có thể thấy là các chỉ tiêu quy hoạch đang từ 20 tầng giảm xuống chỉ còn 18 tầng, nhưng chiều cao quy hoạch từ 70 m lại giảm xuống chỉ còn 53 m (giảm đi 17 m tương đương với chiều cao của hơn 5 tầng nhà); chiều cao các tầng bình quân trong tòa nhà theo quy hoạch chi tiết 1/500 là 3,5 m/tầng nay bị giảm xuống chỉ còn 2,94 m/tầng, không đúng với quy hoạch xây dựng chi tiết (theo quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và đáp ứng với công năng sử dụng thì các tầng thương mại phải là 4,5 m, các tầng văn phòng phải là 3,9 m/tầng, các tầng căn hộ phải là 3,3 m/tầng).
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng rất hiếm có vụ việc nào mà Thủ tướng phải nhiều lần ra văn bản chỉ đạo, đốc thúc xử lý dứt điểm như công trình 8B Lê Trực. Thậm chí, lùm xùm xây dựng sai phép, xử lý công trình như thế nào còn từng được đưa ra Quốc hội bàn thảo. Vậy mà, hơn 4 năm qua, Hà Nội vẫn loay hoay, ì ạch trong việc tìm phương án xử lý.
“Tôi cho đây là điển hình của việc trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh. Tại sao chưa dứt điểm xử lý được 8B Lê Trực? Câu trả lời này chắc chắn chỉ có ông Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp được thấu đáo nhất. Hay là cứ đá bóng trách nhiệm qua bên nọ bên kia rồi chờ cho hết nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết dứt điểm? Để đến nay, công trình sai phạm vẫn hàng ngày sừng sững như cái gai trên bộ mặt thành phố, như điển hình của trì trệ”, KTS Tùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.